Tại hội thảo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính Việt Nam, ông Lê Xuân Nghĩa- Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam có đặc trưng là biên độ dao động giá rất lớn, lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm (%) và sự biến động này phụ thuộc vào quy hoạch, hạ tầng và tin đồn. Thị trường BĐS chịu rủi ro sẽ tác động rất lớn đến các ngân hàng, nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2011 dư nợ BĐS là 245.000 tỷ đồng, tương đương 10% tổng dư nợ, trong đó nợ xấu BĐS khoảng 3%. Một số ngân hàng nhỏ có dư nợ BĐS chiếm 30-40% tổng dư nợ, thành phố Hồ Chí Minh chiếm 45%, Hà Nội là 18%. Đặc biệt đang diễn ra tình trạng cho vay nội bộ các đơn vị thuộc ngân hàng. Hầu hết chủ sở hữu các ngân hàng thương mại lại cũng chính là chủ sở hữu BĐS. Vì vậy những ông chủ này thường sử dụng vốn của ngân hàng thương mại để phục vụ cho các dự án BĐS của mình. Điều này tạo ra rủi ro rất lớn cho các ngân hàng thương mại.

Việc giá BĐS tăng cao trong thời gian dài, mức tăng 100-200%, không phải do giới đầu cơ. Nếu đầu cơ thì chỉ có thể gây sốt giá trong thời gian ngắn. Nguyên nhân chính là thể chế quản lý BĐS ở nước ta. Ngay như giá để tính nộp thuế cũng không minh bạch. Sự không minh bạch, thủ tục kéo dài khiến các dự án không có đất sạch để triển khai. Thông tin về đầu thầu các dự án BĐS cũng không rõ ràng, thực hiện chậm chạp. Nếu kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng trở lại sớm hơn, khi đó nền kinh tế phục hồi, nguồn cung BĐS sẽ lại thiếu do không có đất sạch triển khai dự án.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng- cho hay, thị trường BĐS mới hình thành 10 năm nay, do mới nên lộn xộn, tính chuyên nghiệp của chủ thể tham gia chưa được cao. Do đó, thị trường cũng không đồng bộ, phối hợp các cơ quan, ban ngành chưa được tốt. Chính sách thì nhiều, nhưng chất lượng còn có vấn đề, nghị định hướng dẫn còn sơ sài, vai trò của Nhà nước còn mờ nhạt, doanh nghiệp tham gia  thì hạn chế, vì thế ai cũng tham gia được, gây rối loạn thị trường.

Tuy nhiên trong 10 năm qua thành tựu nổi bật là phát triển nhanh quỹ nhà, khi Nhà nước xóa bao cấp nhà ở, để thị trường tự điều tiết, qua đó, chất lượng nhà tốt hơn, hình thành đô thị, bước đầu nâng cao mức sống người dân thị thành.

Đặc biệt, thị trường BĐS là "đầu ra" tiêu thụ nhiều sản phẩm của ngành khác như vật liệu xây dựng, xi măng,sắt thép, đồ gỗ, kính, thiết bị nội thất, điện tử… Nhờ các dự án lớn, bộ mặt đô thị khang trang hiện đại hơn.

Nhưng cũng có nhiều bài học rút ra trong 10 năm qua, trước hết là thị trường liên thông chưa cao, nếu quản lý tốt có chiến lược, chuyên nghiệp cao thì đây là động lực phát triển, lôi kéo tiền nhàn rỗi. Ngược lại, nếu quản lý không tốt sẽ trở thành ngòi nổ khủng hoảng cho nền kinh tế. Vì thế, yêu cầu đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước về chính sách là điều hết sức bức thiết.

Trước bối cảnh thị trường BĐS khó khăn như hiện nay, tác động của nó ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan như xi măng, sắt thép, sản xuất vật liệu xây dựng… ông Nguyễn Trần Nam cho rằng:“Bong bóng” BĐS chưa đến mức bị nổ, hay đổ vỡ và chưa ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng nhưng cũng có điểm cần phải cẩn trọng. Dư nợ 220-230 nghìn tỷ, dưới 10% tổng dư nợ; nợ xấu trên 2% nhưng gần đây bắt đầu gia tăng. Nhất là các ngân hàng nhỏ tỷ trọng cho vay bất động sản cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trước thực trạng đó, ông Nam ưa ra những khuyến nghị đối với các doanh nghiệp BĐS: các doanh nghiệp phải có sự liên kết với nhau, chọn phân khúc có tính thanh khoản cao. Bán hàng phải có chất lượng để tạo lòng tin đối với khách hàng.

Mặc dù thời điểm này ngân hàng cũng đã có động thái cởi mở hơn với lĩnh vực BĐS nhưng vẫn chưa có giải pháp nào cụ thể hơn, vì vậy các doanh nghiệp cần điều chỉnh cơ cấu hàng hóa. Doanh nghiệp điều chỉnh hàng, quy mô và giá cả vừa phải để người dân có thể mua được, thanh khoản cao.