Dưới đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trước gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đối với bất động sản của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 có những điểm chính như sau: 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội ; doanh nghiệp xây nhà xã hội hoặc từ nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội cũng thuộc đối tượng được cho vay.

 

Cái bẫy từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng
 

 

Tuy nhiên, trong gói 30.000 tỷ đồng không nói rõ bao nhiêu % là cho cá nhân vay, bao nhiêu % là cho doanh nghiệp vay. Ngoài ra, thông tư cũng không nêu rõ, trong trường hợp cá nhân không vay mua bất động sản thì số tín dụng còn dư có thuộc về phần vay của doanh nghiệp bất động sản và ngược lại.

Mặt khác, 30.000 tỷ đồng chỉ tương đương với 1.5 tỷ USD trong khi đó, theo báo cáo, riêng Hà Nội đã cần tới 45 tỷ USD để hoàn thiện những dự án bất động sản còn đang dang dở. Như vậy, số tiền 1,5 tỷ USD sẽ đổ vào đâu, với mục đích thế nào là một vấn đề mà dư luận hết sức băn khoăn.

Vấn đề thứ hai là Thông tư của Ngân hàng Nhà nước chỉ định đối tượng cho vay: đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang… Tại sao lại phân chia người dân của cùng một đất nước thành nhưng công dân số 1, số 2, số 3, số 4 như vậy? Tại sao những người công chức, viên chức lại được ưu tiên hơn ?

Đặt ra những tiêu chí ai được vay, ai không được vay sẽ đưa đến chỗ tiêu cực, tham nhũng, xin cho… Điều này nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng đã nói , khi đưa ra một chính sách như thế thì tất cả các công dân Việt Nam đều phải đồng quyền lợi, đồng nghĩa vụ. Tư duy phân chia người dân thành từng nhóm ưu tiên như vậy là không được.

Vấn đề thứ 3 là việc quy định lãi suất 6% trong ba năm đầu. Vậy lãi suất những năm sau sẽ như thế nào? Cũng theo Thông tư này, thời hạn cho vay tối thiểu là 10 năm nhưng lãi suất chỉ chốt trong 3 năm đầu. Bài học về đại nạn cho vay bất động sản bên Mỹ đã có, nhưng chính chúng ta lại đi vào vết xe đổ của họ.

Người ta cho vay với lãi suất ba năm đầu rất thấp để tiếp thị, kể cả những người không có khả năng chi trả dài hạn cũng vay mua nhà vì lãi suất quá thấp. Sau ba năm họ cho vay với lãi suất cao hơn, có thể cao hơn 50% so với lãi suất ban đầu. Những người đi vay mua bất động sản không có khả năng chi trả, phải phá vỡ hợp đồng. Những hợp đồng cho vay thành nợ xấu không thu hồi được, ngân hàng ôm nợ xấu, cả nền kinh tế bị ảnh hưởng theo.

Ngân hàng Nhà nước giải thích, cho vay với lãi suất 6% vì hiện mức lạm phát là 6%. Giải thích đó càng khiến chúng ta lo ngại vì lỡ 3 năm nữa lạm phát lên 10% thì người dân sẽ chống đỡ thế nào? Thời hạn cho vay mua nhà thường là 10 - 20 năm, lại căn cứ vào lạm phát thì khác nào đặt cả người vay và ngân hàng thương mại vào rủi ro.

Ở đây, thông tư của Ngân hàng Nhà nước còn quy định, nợ vay tối thiểu là 80% phương án vay. Có nghĩa là dù khả năng chi trả của người dân là 50% thì họ vẫn buộc phải vay tới 80%. Trong trường hợp sau 3 năm lãi suất sẽ được đẩy lên nghĩa là người dân còn càng nhiều nợ thì càng phải chịu lãi suất cao. Vì quyền lợi của ai mà tại sao đặt ra chính sách như vậy, người dân rất cần lời giải thích.

Tôi xin nhắc lại, cho vay mua bất động sản với lãi suất không cố định chẳng khác nào nhử người ta vào cái bẫy lãi suất thấp. Khi người ta vào bẫy rồi, chui vào rọ rồi thì lãi suất có thể đẩy lên tới mức nào tùy thích, điều đó là không thể chấp nhận được.

Tôi xin nhắc lại là, không thể chấp nhân một hợp đồng cho vay mua bất động sản với lãi suất không cố định. Rủi ro ở đây không chỉ đối với người mua mà còn cả ngân hàng và rộng hơn là cả nền kinh tế. Nói cụ thể hơn, người mua nhà chết, hệ thống ngân hàng chết thì sẽ kéo cả nền kinh tế chết theo.

Vấn đề thứ 4 là nguồn tiền cho vay. Theo thông tư của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại cho vay bằng cách tái cấp vốn với lãi suất 1.5% dưới lãi suất cho vay. Đây lại là một cái bẫy nữa. Hiện tại cho vay bất động sản với lãi suất 6% có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước sẽ cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 4.5% (chênh lệch 1.5% cho chi phí hoạt động).

Ví thử sau này họ muốn nâng lãi suất lên 15% thì Ngân hàng Nhà nước chỉ việc cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 13.5%, vẫn đúng tinh thần Thông tư Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02.

Điểm cuối cùng, 5 ngân hàng thương mại sẽ phải dành vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng trên.Tại sao lại là 3% mà không phải 5%, 7%, 10%. Thông tư quy định như vậy là mập mờ vì 3% của tổng dư nợ của 5 ngân hàng đó là bao nhiêu, nếu mỗi ngân hàng có 50.000 - 700.000 tỷ đồng thì tính ra 3% đó chẳng là bao nhiêu cả.

Tóm lại, vấn đề hiện nay là hàng triệu người dân Việt Nam cần mua nhà chứ không phải chí vài trăm nghìn căn nhà đang bị kẹt.

Việc quan trong nhất của Chính phủ là phải tìm cách tổ chức tốt thị trường bất động sản, có hệ thống tín dụng hợp lý cho vay mua nhà như các nước đang áp dụng hiệu quả để người dân có thể an cư, không xảy ra tình trạng hàng triệu người ở TP.HCM và Hà Nội sống trên diện tích 2m2/người như hiện nay. Nếu làm được như vậy thì mỗi năm bán hàng triệu căn hộ chứ có phải vài nghìn căn hộ đang bị kẹt.