Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) vừa có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NIHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.Trong đó, dự kiến giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay BĐS từ mức 150% hiện nay lên mức 250%.


Việc sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo dự thảo sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.

Theo ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch VNREA, nếu điều chỉnh Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng như dự thảo với các nội dung trên, chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, mà hơn thế nữa đây sẽ là bước đi ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực và các thành quả đã được Chính phủ, trong đó có công sức của NHNN, Bộ Xây dựng và cộng đồng các doanh nghiệp tạo dựng trong tiến trình phục hồi thị trường BĐS. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS mà còn tác động xấu đến nhiều thị trường khác có liên quan và tác động xấu đến cả nền kinh tế Việt Nam.

Chủ tịch VNREA kiến nghị chưa thay đổi điều chỉnh Thông tư 36/2014/TT-NHNN trong giai đoạn hiện nay vì 4 lý do để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, thị trường BĐS hiện nay đang phát triển theo xu hướng tốt, bền vững và đang có các đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế, góp phần thực hiện an sinh xã hội, ổn định xã hội.

Điều này được thể hiện ở các giao dịch BĐS trong năm 2015 đã tăng một cách đều đặn. Người mua nhà chủ yếu là sử dụng để ở cho gia đình mình. Hàng tồn kho giảm xuống đáng kể song vẫn cần giảm tiếp. Nợ xấu giảm xuống mức kỳ vọng. Giá BĐS bình quân cơ bản ổn định. Đặc biệt là với các chính sách về BĐS hiện nay đã tạo điều kiện phát triển cân đối hàng hóa trong thị trường BĐS.

Nhiều dự án “đắp chiếu” nhiều năm nay đang có cơ hội phát triển. Người dân, đặc biệt cán bộ công chức, công nhân và người lao động đã có cơ hội mua, thuê được ngôi nhà riêng của mình.

Với sự hồi phục của thị trường BĐS (chủ yếu ở hai TP lớn là Hà Nội và HCM), nhiều thị trường, nhiều ngành kinh tế đã được cộng hưởng phát triển như thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường xây dựng, ngành sản xuất VLXD, giao thông vận tải…

Do vậy, việc giữ đà phát triển của thị trường BĐS một cách ổn định và bền vững có tác động hỗ trợ tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội khác của cả nước.

Thứ hai, thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay đang được quản lý khá hiệu quả do rút kinh nghiệm từ các bài học trong quá khứ. Việc kiểm soát năng lực các doanh nghiệp tốt hơn thông qua Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở với quy định nâng cao vốn pháp định của doanh nghiệp BĐS từ 6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng. Số lượng các doanh nghiệp lớn, có tính dẫn hướng thị trường đã xuất hiện ngày càng nhiều. Tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp được nâng lên cao. Các dự án thực sự hiệu quả. Việc bán hàng hóa BĐS được kiểm soát tốt hơn nhiều, nhất là đối với việc bán các sản phẩm hình thành trong tương lai. Từ việc phải thực hiện bảo lãnh của chủ đầu tư đối với nhà ở hình thành trong tương lai đến việc “tiền kiểm” do Sở Xây dựng các địa phương thực hiện trước khi bán nhà ở.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BĐS như Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, các nghị định của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn Bộ Xây dựng và NHNN... tạo thành hệ thống các cơ sở pháp lý quan trọng, đồng bộ để khắc phục được các nhược điểm của giai đoạn trước và vẫn tạo ra động lực để phát triển thị trường BĐS.

Thứ ba, tổng dư nợ tín dụng BĐS đang ở mức hợp lý, khoảng 360 nghìn tỷ đồng đến 380 nghìn tỷ đồng trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng là khoảng 4 triệu nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng dưới 10%, trong khi đó, mức thông thường cần phải áp dụng các biện pháp là khoảng 15%.

Thứ tư, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn và các đô thị tại nông thôn còn rất cao, nhiều dự án vừa mới bắt đầu được hồi phục lại, ở nhiều địa phương thị trường BĐS vẫn còn khó khăn nhiều. Với tốc độ đô thị hóa của nước ta đang đứng đầu các nước trong khu vực khoảng gần 35%; diện tích bình quân đất canh tác trên đầu người nông dân ở nước ta ít nhất trong khu vực mà số lượng nông dân chiếm đa số dân số nước ta; với xu thế hội nhập mạnh mẽ, việc thu hút đầu tư các khu công nghiệp, phát triển các đô thị dẫn đến sự dịch chuyển dân cư từ nông thông ra đô thị lớn hơn, nhu cầu nhà ở trở nên càng ngày càng cấp bách.

Trong khi đó, kênh vốn chủ yếu cho thị trường BĐS hiện nay là tín dụng ngân hàng. Khi hệ thống chính sách để phát triển các quỹ đầu tư BĐS còn chưa có hiệu quả thì mọi động thái của ngân hàng đối với tín dụng cho BĐS sẽ mang tính dẫn hướng quan trọng cho toàn thể thị trường.

Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: “Trong giai đoạn trước đây, chúng ta đã có một số bài học về điều chỉnh chính sách tín dụng đối với thị trường BĐS gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Việc điều chỉnh này sẽ làm các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước và người dân giảm lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô đối với thị trường ở nước ta. Điều này sẽ làm tăng lại lượng hàng hóa tồn kho; tăng dự án dở dang; tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, khó khăn cho các dự án đang có cơ hội phục hồi; giảm cơ hội mua nhà chính đáng của nhiều người dân, cán bộ công nhân viên chức, người lao động; tác động xấu đến sự phát triển kinh tế- xã hội chung của cả nước”.