Làn sóng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam vẫn chưa xuất hiện.

Hỏi han và nghe ngóng
 
Trên thực tế, cùng với số lượng người nước ngoài vào Việt Nam học tập, làm việc ngày càng tăng, lượng Việt kiều mong muốn được về Việt Nam sinh sống là tương đối lớn thì nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam của các đối tượng này là không hề nhỏ. Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu như Việt Nam có khoảng 4 triệu kiều bào ở nước ngoài thì có khoảng gần 1 triệu Việt kiều có nhu cầu về Việt Nam sinh sống và đây là thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, hiện nay số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thực sự chưa nhiều. Theo số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, đến nay có khoảng 400 người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2015, có khoảng gần 60 giao dịch thành công.
 
Tìm hiểu của phóng viên tại một số sàn BĐS cho thấy, có khoảng cách lớn giữa nhu cầu và giao dịch thành công. Ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Max Việt Nam cho biết, thời gian qua tại sàn BĐS Maxland nhiều khách nước ngoài đã tiếp cận các thông tin để mua nhà. Tuy nhiên, khách hàng đa phần thấy khá phức tạp trong các thủ tục mua nhà, cách quản lý, cho thuê hoặc mua bán, chuyển nhượng, vì thế hầu hết mới chỉ dừng ở mức tìm hiểu, chưa có hợp đồng mua bán chính thức nào. Cũng theo ông Diễn, một số trường hợp quyết định mua nhà vẫn nhờ người Việt đứng tên.
 
Cũng dưới góc độ của nhà môi giới BĐS, ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc sàn BĐS VIC cho rằng hiện nay việc mua bán nhà cho người nước ngoài gặp hai vướng mắc lớn là thủ tục, chính sách và vấn đề tâm lý. Cụ thể, người nước ngoài sang Việt Nam công tác nhu cầu mua nhà để ở là ít, vì họ có chế độ của chuyên gia, được các DN thuê nhà cho. Trong khi đó, thời gian qua đối tượng Việt kiều mua nhà vướng thủ tục giấy tờ nguồn gốc người Việt, từ đó dẫn đến tâm lý chỉ nghe ngóng, hỏi han.
 
“Khu vực mà chúng tôi tập trung phục vụ có nhiều người Nhật Bản, Hàn Quốc sinh sống, tuy nhiên hai đối tượng này thường chỉ đi thuê, ít mua nhà. Việc ký hợp đồng mua nhà gần như không có. Kể cả những đơn vị cung cấp các sản phẩm cao cấp phù hợp với người nước ngoài trong khu vực nội đô thì lượng đăng ký cũng rất hạn chế”, ông Hải cho biết. Bên cạnh đó, đại diện sàn VIC cho rằng, cơ chế mở là tốt nhưng quy định này đi vào cuộc sống chưa được tích cực lắm, do cơ chế chính sách không ổn định, thủ tục phức tạp, hướng dẫn không đồng bộ, chậm đi vào cuộc sống và tâm lý mua bán của các đối tượng này là chưa thực sự yên tâm. Dẫn ví dụ về việc khu đô thị Time City (Hà Nội) bị ngập nước hầm để xe ô tô trong đợt mưa vừa qua, ông Hải cho rằng chất lượng hạ tầng ở Việt Nam, chất lượng công trình, quản lý công trình, sự tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân... là những vấn đề khiến Việt kiều, người nước ngoài còn e ngại.
 
Bao giờ hết dò dẫm?
 
Đồng tình với điều này, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, dù nhu cầu là có thực song ngay từ đầu ông đã biết quy định này sẽ không tạo ra làn sóng lớn Việt kiều, người nước ngoài về Việt Nam mua BĐS, bởi theo ông Hiếu, vấn đề mua nhà tại Việt Nam không phải dễ dàng, chủ trương đúng nhưng thực hiện khó khăn.
 
Hiện có nhiều Việt kiều khi tuổi già muốn về Việt Nam sinh sống, nhưng số này lại khó mua nhà. Vì không như ở Việt Nam, ở nước ngoài không ai dùng tiền tiết kiệm để mua nhà, mà họ vay tiền ngân hàng để mua, tuy nhiên nếu vay ngân hàng ở tuổi đã về hưu rất khó. Còn đối với người đang độ tuổi làm việc thì việc mua nhà ở Việt Nam chưa phải là vấn đề mà họ quan tâm lắm, trừ người muốn mua để kinh doanh. Với những người này, theo ông Hiếu, hiện có nhiều băn khoăn, trở ngại và điều này lại trở thành rào cản cho việc mua nhà của họ, như: Họ có được vay tiền tại các ngân hàng Việt Nam hay không, hay việc chứng minh về nhân thân hiện chưa có quy định cụ thể. Đối với thời hạn sở hữu, người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà trong 50 năm, sau 50 năm họ bán cho người khác thì có được hưởng quyền lợi không? Nếu họ bán nhà sau khi ở một thời gian thì thời hạn sở hữu của người mua lại căn hộ này được tính như thế nào?
 
Như vậy, trên thực tế, do chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014 (sửa đổi) nên việc mua bán nhà cho Việt kiều, người nước ngoài vẫn đang trong thế dò dẫm. Theo bà Nguyễn Hoài An, Phó Giám đốc Công ty CBRE, thị trường BĐS mới chỉ thu hút sự quan tâm nhất định từ người mua nhà nước ngoài, chứ chưa có những sự tăng trưởng về lượng mua nhà từ người nước ngoài.
 
“Thị trường BĐS sẽ không có những tác động tức thì. Nhà đầu tư nước ngoài luôn theo dõi thị trường một cách cẩn thận. Người mua nhà sẽ quan sát và tiến hành giao dịch chỉ khi thị trường BĐS thực sự hồi phục, động thái “chờ và xem” sẽ phổ biến trước khi có một quyết định mua bán cụ thể nào”.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014 (sửa đổi) trong đó có nội dung về việc thực hiện quy định cho phép Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ đi sâu vào các vấn đề liên quan đến đối tượng được mua nhà như quy định về xuất – nhập cảnh, nguồn gốc Việt Kiều, đăng ký tạm trú... để làm cơ sở xác định họ là đối tượng được mua nhà. Về những băn khoăn về thời hạn sở hữu nhà của người nước ngoài, ông Thành cho biết Luật chỉ xét đến đối tượng sở hữu chứ không phải là sản phẩm căn hộ, không xét cộng thời gian của nhiều người. Vì thế, khi người nước ngoài mua nhà, họ ở 3 năm hay 10 năm rồi bán đi thì lúc đó trách nhiệm của họ với luật pháp của Việt Nam đã xong, người mua sau vẫn được ở căn hộ đó theo quy định của pháp luật.
 
“Mặc dù chưa có những quy định cụ thể, hiện nay kết quả giao dịch chưa thấy nhiều nổi bật nhưng trong diễn biến đã thấy nhiều yếu tố tích cực đang tác động đến người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, tin rằng những tác động ấy sẽ tạo cơ hội cho chính họ và tạo cơ hội cho thị trường BĐS phát triển tốt hơn”, ông Thành nhận định.