Ngân hàng Nhà nước cho biết đã xác nhận đăng ký cho vay hỗ trợ nhà ở 3 dự án tại Vĩnh Phúc, Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) và đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Nguồn tái cấp vốn cho 3 dự án đạt khoảng 200 tỷ đồng.

Như vậy, trong hơn nửa năm, các ngân hàng đã cam kết cho 19 dự án vay 1.701 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,9% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho doanh nghiệp. Trong đó, nhà băng đã giải ngân cho 12 doanh nghiệp (13 dự án) với số tiền là 566,5 tỷ đồng.

nha-t-6561-1395042764.jpg

Hơn nửa năm, số tiền giải ngân trong gói hỗ trợ nhà ở được khoảng trên 4%. Ảnh: Hoàng Lan

Đối với khách hàng cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho vay 2.687 đối tượng với số tiền là 1.013 tỷ đồng. Trong đó, nhà băng đã giải ngân theo tiến độ cho 2.661 khách hàng với dư nợ 640 tỷ đồng.

Tiến độ giải ngân tính đến 28/2:

Ngân hàng Cam kết cho vay Số tiền giải ngân
Vietinbank 317 190
Vietcombank 332 180
BIDV 332 227
Agribank 52 35
MHB 25 8

(đơn vị: tỷ đồng)

Như vậy, từ đầu chương trình, các ngân hàng đã giải ngân cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khoảng 1.206 tỷ đồng, tăng gần 120 tỷ đồng so với số liệu công bố trước đó (ngày 17/2).

Gói 30.000 tỷ đồng được tung ra từ đầu tháng 6/2013 theo tinh thần của Nghị quyết 02 nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng tồn kho, nợ xấu, trong đó có ngành xây dựng bất động sản. Theo đó các đối tượng vay vốn bao người thu nhập thấp, doanh nghiệp xây nhà xã hội hoặc từ nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội. tung ra được hơn nửa năm, song gói hỗ trợ nhà ở gây nhiều sóng gió. Sau khi bị chê giải ngân chậm, gói hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng được một đại biểu Quốc hội đề xuất “thu lại”. 

Trong khi đó, Bộ Xây dựng khẳng định vẫn kiên trì với gói 30.000 tỷ đồng vì đây là chiến lược lâu dài để người nghèo có nhà ở. Để nới điều kiện cho vay, Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch cùng Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp ký thông tư quy định về việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với nhà xã hội để người dân có thể thế chấp vay mua nhà.