Kéo dài sự thất bại
 
Ngân hàng nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 10, trong gói hỗ trợ lãi suất nhà ở 30.000 tỷ đồng, 5 ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Viettinbank, MHB đã cho 939 cá nhân vay 333,1 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho 905 cá nhân với dư nợ 220,9 tỷ đồng.
 
7 doanh nghiệp được vay với số tiền cam kết 870,4 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho 4 doanh nghiệp với số tiền 122,6 tỷ đồng. Như vậy, số tiền giải ngân là 343,5 tỷ chiếm 1,1 % tổng số 30.000 tỷ đồng.
 
Trước tình trạng giải ngân chậm chạp của gói 30.000 tỷ, ngày 7/11, Bộ Xây dựng ra thông tư nới điều kiện cho vay trong đó cho phép chủ đầu tư vay làm nhà cho công nhân, sinh viên thuê.
 
Trong khi các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, sinh viên được xây dựng triển khai ì ạch, liên tục thất hẹn, những khu nhà đã hoàn thành công nhân, sinh viên không mấy mặn mà, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp bất động sản cho rằng, gói 30.000 tỷ sẽ không đi đúng hướng.
 
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM  cho biết, ngành xây dựng thay vì giải quyết hàng tồn kho, tập trung vào việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội lại làm “lạc đề” khi cho phép xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân thuê.
 
“Mục tiêu ban đầu của gói 30.000 tỷ là để giải quyết hàng tồn kho quá lớn khiến nhiều DN đứng trên bờ vực phá sản vì nợ xấu. Việc cho phép chủ đầu tư vay để làm nhà cho công nhân, sinh viên thuê sẽ kéo dài sự thất bại của gói 30.000 tỷ”, ông Đực nói.
 
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh trả lời trên báo Đầu tư chứng khoán cũng khẳng định, đã có sự “chệch hướng” trong việc xác định đối tượng cho vay theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ.
  

Gói 30 ng� n tỷ đồng khiến con t� u BĐS chao đảo

Gói 30.000 tỷ đồng cho vay để làm nhà cho công nhân, sinh viên thuê là không đúng mục tiêu và sẽ kéo dài sự thất bại.
 
“Gói 30.000 tỷ đồng cho vay để giải quyết tồn kho bất động sản, nay lại cho vay để làm nhà cho công nhân, sinh viên thuê là không đúng mục tiêu”, ông Ánh nói.
 
Lấy dẫn chứng về gói kích cầu có tổng giá trị 9 tỷ USD năm 2009 đã “sai mục tiêu và kém hiệu quả”, ông Ánh cho rằng, nếu Chính phủ không giám sát chặt chẽ thì gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng năm 2013 sẽ lại đi vào “vết xe đổ”.
 
“Các cơ quan quản lý cần chủ động đưa gói hỗ trợ đến đúng mục tiêu, tránh tình trạng nhập nhằng giữa kích cầu và kích cung”, ông Ánh nhấn mạnh.
 
Một chuyên viên ngân hàng Agribank cho biết, gói 30.000 tỷ để giải quyết hàng tồn kho hoặc chuyển đổi mục đích nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội còn việc cho chủ đầu tư vay xây nhà cho công nhân, sinh viên thuê khó khả thi.
 
“Nhà ở xã hội là nhà ở cho người có nhu cầu thực sự còn nhà ở cho công nhân, sinh viên thuê chưa biết nhu cầu thực thế nào. Thêm nữa, nguồn thu nhập từ công nhân và sinh viên hạn chế khó có khả năng chi trả nên ngân hàng sẽ không cho vay vì rủi ro quá lớn” vị này nói.
 
Thêm hàng tồn kho
 
Từ mục tiêu giải quyết hàng tồn kho, việc nới điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ đang được chê trách là sẽ thêm một lượng hàng tồn kho khác cho thị trường bất động sản.
 
Ông Nguyễn Văn Đực phân tích, hiện nhiều dự án nhà cho sinh viên, công nhân đang xây dựng lỡ hẹn nhiều năm hoặc đưa vào sử dụng nhưng vẫn bỏ hoang.  Gói 30.000 tỷ để giải quyết hàng tồn kho bất động sản lại cho phép các chủ đầu tư khác vay để xây nhà cho sinh viên, công nhân có thể sẽ mở thêm một nguồn tồn kho bất động sản nữa là nhà ở sinh viên và công nhân.
  
Hiện nay, tính riêng Hà Nội có 10 dự án nhà ở sinh viên được phê duyệt, trong đó 2 dự án Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, 8 dự án khu ký túc xá trong khuôn viên các trường do trường làm chủ đầu tư. Các dự án đều được phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư là 3.162 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, vẫn còn 8 dự án chưa hoàn thành trong đó có 2 dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư là dự án nhà ở sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và dự án nhà ở cho sinh viên tại Khu đô thị Mỹ Đình 2 (Từ Liêm, Hà Nội) đáp ứng chỗ ở cho gần 30.000 sinh viên.
 
Dự án nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) mặc dù có nhiều ưu đãi về giá nhưng công nhân tại đây vẫn chi trả số tiền nhiều gấp 10 lần để được ở những khu nhà trọ bên ngoài.
 
Chị Nguyễn Thị Lành, công nhân tại nhà máy Canon (khu công nghiệp Kim Chung) cho biết, chị cùng chồng đều làm công nhân tại khu công nghiệp nên khu chung cư cho công nhân không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của gia đình.