Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước quy định người vay phải có tài sản thế chấp, hoặc thế chấp bằng chính sản phẩm hình thành từ nguồn vốn vay. Như vậy, với đối tượng có tài sản thế chấp, việc vay là dễ dàng như đối với trường hợp người mua nhà ở thương mại giá thấp, vì người mua không phải chứng minh điều kiện của mình (về tình trạng nhà ở, thu nhập), mà chỉ cần giải trình khả năng trả ngân hàng.


Khu chung cư dành cho người thu nhập thấp Bắc Sơn.

Bất cập trong quy định

Tuy nhiên, số đông người có nhu cầu không đủ điều kiện để thỏa mãn điều kiện của ngân hàng về tài sản thế chấp dẫn đến những bất cập, làm cho việc giải ngân gói tín dụng này trở nên khó khăn.

Theo quy định, khách hàng vay tiền của ngân hàng không trả nợ được theo quy định của hợp đồng vay vốn, bên bán phải mua lại tài sản, căn hộ để hoàn trả tiền vay cho ngân hàng. Quy định này là giải pháp bảo đảm an toàn cho ngân hàng, nhưng về pháp lý rất vướng mắc, do bên bán không đủ thẩm quyền để quyết định mua lại căn hộ này.

Bất cập khác là, ngân hàng yêu cầu khi bên mua nhà đã trả hết tiền cho bên bán, thì bên bán phải làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giao cho ngân hàng để bảo đảm cho việc vay. Nhưng nếu có rủi ro xảy ra, việc thu hồi lại phức tạp. Vì người mua đứng tên chủ sở hữu không thể hoàn trả và bên bán cũng không thể thu hồi, mà phải mua lại, nhưng không thể tìm được ngay một người khác đúng đối tượng (là người thu nhập thấp). Và bên bán nhà cũng không đủ thẩm quyền để mua lại căn hộ. Vì vậy khó mà xử lý được nợ.

Gỡ khó cách nào?

Ở góc độ là chủ đầu tư, ông Lê Ngọc Thành - Tổng giám đốc Cty CP XD & PTĐT Hải Phòng đề xuất, trong trường hợp bên vay không trả được nợ theo điều kiện của ngân hàng, ngân hàng nên quy định người mua nhà phải hoàn trả lại nhà cho chủ đầu tư, đồng thời bên bán nhà phải hoàn trả ngân hàng các khoản tiền bên vay nợ ngân hàng cả gốc và lãi. Nghĩa là bên bán đã gánh một phần trách nhiệm với ngân hàng. Còn đối với trường hợp người mua chưa trả nợ cho ngân hàng, chưa nên làm giấy chứng nhận cho người mua để giải quyết xử lý nợ khi rủi ro xảy ra.

Hiện nay, tại chung cư Bắc Sơn do Cty CP XD & PTĐT Hải Phòng làm chủ đầu tư, ngân hàng, Cty và người mua đã dự thảo về việc cho vay tiền. Trong đó, bên bán sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm, cam kết ký quỹ 20% trên tổng số cho vay của ngân hàng nhưng vẫn chưa được thông qua. Do các ngân hàng tại Hải Phòng phải chờ ý kiến từ ngân hàng “mẹ”. Vì vậy mà Hải Phòng vẫn chưa có khách hàng nào được vay để mua nhà thu nhập thấp.

Để gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng sớm đến tay đối tượng có thu nhập thấp, mong rằng ngân hàng sẽ sớm xem xét điều chỉnh các quy định và thông qua Dự thảo cam kết ký quỹ 20% trên tổng số cho vay của ngân hàng giữa ngân hàng, bên bán, bên mua.