Chưa có kênh nào có sức hút mạnh như condotel” 

Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, loại hình Condotel có nhiều đánh giá khác nhau trên thị trường hiện nay. Chúng tôi là những người trong cuộc có những nhìn nhận lạc quan hơn. Không đến mức là một nguy cơ giống như tên của toạ đàm về thừa cung. Tôi đánh giá khách quan theo thực tế, nhận định phát triển.

Mô hình khách sạn căn hộ không phải mới, nhiều người đang nhầm lẫn khái niệm nay. Mô hình này có từ những năm 90 ở công trình Hà Nội Tower. Tôi đã nghiên cứu mô hình này, nhưng lúc đó chỉ là mô hình lưu trú thôi khác với việc trở thành yếu tố kinh doanh, mới hoàn toàn như mô hình Condotel hiện nay, ông Thành nói.

Sản phẩm Condotel hiện nay được hình thành, là tài sản sở hữu nhưng cũng là hàng hoá kinh doanh. Trong nội tại sản phẩm đó, đã có dòng tiền chảy chuyển tiếp từ nhà đầu tư thứ cấp tới người tiêu dùng. Từ đó, tạo ra tính thanh khoản lớn.
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 1
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Ảnh: Quang Phúc.

“Tôi đánh giá rất cao người đã khai sinh ra loại hình đầu tư, chia sẻ lợi ích với người dùng. Condotel xuất hiện đúng lúc, phù hợp nhu cầu với người tiêu dùng”, vị Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận.

Trong quá khứ, có bất nhất trong cung cầu, dẫn đến những hậu quả gây nhiều nợ xấu cho hệ thống tài chính mà đến nay chúng ta vẫn đang phải giải quyết. Hiện nay, có nhiều ý kiến việc cung cầu condotel, song tôi thấy khá yên tâm bởi dòng tiền đổ vào Condotel đến nhiều từ nhà đầu tư, có tính bền vững. Huy động nguồn vốn xã hội tức là đi từ nhu cầu thực tế, chia sẻ tính rủi ro. Đặc thù ở phương thức giao dịch, tạo ra bền vững trong hoạt động của Condotel.

Condotel hiện nay có quá nhiều lợi thế, gắn liền với nhiều hoạt động du lịch. Du lịch hiện đang là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia, đang được đầu tư, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng thế mạnh đất nước, đặc biệt là tài nguyên biển. 

Condotel gắn liền với những vị trí đắc địa, tốt nhất, đại gia nào đến sớm sẽ có vị trí đẹp, còn những người đến sau thì vị trí bớt đẹp đi. Tôi đánh giá rất cao những nhà đầu tư như Vingroup, Sungroup, FLC…đã rất liều lĩnh, mạo hiểm trong việc phát triển mô hình condotel từ rất sớm.

Trong các kênh đầu tư, chưa có kênh nào có sức hút mạnh như bất động sản nói chung, condotel nói riêng. Nhiều thông tin, nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận với nhà đầu tư thứ cấp từ 9-10%, đảm bảo trong 10 năm, ngoài ra còn nhiều ưu đãi khác. 
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 2
Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: Quang Phúc.

Những phương thức đó đang có tác động, tạo cảm giác an toàn và thực tế an toàn về lợi nhuận đầu tư, khả năng hoàn vốn và lợi ích khác mang lại.

“Điều này tạo dòng chảy thu hút nguồn vốn chảy tiềm ẩn trong dân. Với nguồn vốn đầu tư bất động sản sang Hoa Kỳ 3 tỷ USD trong thời gian qua là không nhỏ, tôi không nói nó thất thoát gì nhưng cho thấy tiềm ẩn vốn trong dân không hề nhỏ. Condotel huy động được nguồn vốn đó”, ông Thành nói.

Năm 2016 nguồn cung condotel đưa ra thị trường chưa phải là thoả mãn với nhu cầu thị trường hiện tại cũng như chưa đáp ứng được cơ sở hạ tầng cho du lịch hiện tại. Theo quan điểm của tôi, nó giải toả được điểm nghẽn, tạo ra dòng chảy tốt hơn. 

Với tư duy qua nghiên cứu và thực tiễn, nỗi lo thừa cung chưa phải nguy cơ bởi cung đo đếm được nhưng cầu thì tuỳ cách nhìn nhận. Nhưng sắp tới, có thể tăng nhiều hơn. Điều băn khoăn và cái bất cập có thể thành rủi ro là tính pháp lý vẫn còn chông chênh, chưa được hoàn thiện. 

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có nhiều văn bản trình Bộ Xây dựng để báo cáo Chính phủ để điều chỉnh một số luật để tạo khung pháp lý cho sản phẩm này, ông Nguyễn Ngọc Thành cho hay.

Các bộ luật đều vướng khi phát triển hoàn thiện sản phẩm Condotel theo đúng nghĩa của nó. Chẳng hạn, tính tương thích với giao dịch khách hàng có thể có rủi ro, quá trình phát triển phân khúc này khác với đầu tư khách sạn thông thường. 

Condotel mới phát triển 2 năm nhưng đã bộc lộ những vấn đề quản lý, dịch vụ, sử dụng bộ máy hiện có, công nghệ hiện có chưa chắc đã đảm bảo được nhu cầu Condotel. 

Bên cạnh đó là cam kết của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư với cam kết trong giới hạn tối đa 10 năm, kịch bản sẽ như thế nào, không biết sẽ là kịch bản hay như “Người phán xử” hay thành “Sống chung với mẹ chồng”, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ví von.
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 3
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM - Ảnh: Quang Phúc.

“Đề nghị bán Condotel với giá hợp lý hơn”

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, nhìn nhận, tình hình thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2017 chững lại, cảnh báo của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM là sự lệch pha cung cầu, nhất là ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp. 

“Chúng tôi cảnh báo các nhà đầu tư bởi vì đánh giá lại thị trường 7 tháng vừa qua giao dịch chững lại và sụt giảm, Tp.HCM căn hộ cao cấp giao dịch cực khó”, ông Châu nói và nhấn mạnh chúng ta mừng vì Bộ Chính trị ra Nghị quyết 08 về phát triển du lịch, Việt Nam có ưu thế rất lớn nhưng nó giống như “Công chúa ngủ trong rừng”, làm sao đánh thức được tiềm năng. 

Hạ tầng du lịch cần có resort, hệ thống khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng còn khu thương mại, khu vui chơi, y tế...

Nghị quyết Trung Ương cho phép cấp sổ đỏ cho các căn hộ khách sạn du lịch, nhưng không hình thành sổ hộ khẩu. Quyền sử dụng Condotel rất lâu dài song theo Luật Đất đai hiện nay hoàn toàn không có, cho phép chỉ ổn định lâu dài, chỉ có đất ở với người sống và đất nghĩa trang cho người chết. Cho nên, một số địa phương nói Chính phủ kiến tạo thay đổi trước thì địa phương sẽ theo.

“Chúng tôi đã gửi văn bản với Ban kinh tế Trung Ương về sửa đổi các tính pháp lý của các Condotel. Chúng tôi rất ủng hộ loại mô hình này phát triển, tạo ra bộ mặt mới của các địa phương, nhưng muốn thành công không chỉ Condotel đơn độc mà phải bao gồm tập hợp quần thể du lịch, đầu tư các tiện ích hoàn thiện. Do đó, cần phải lôi kéo rất nhiều nhà đầu tư đến cùng xây dựng”, ông Châu cho hay.

Giá bán Condotel hiện nay tương đương với các căn hộ cao cấp ở Tp. HCM dù vị trí ven biển. Do đó ở đây có các doanh nghiệp thì tôi đề nghị giá hợp lý hơn. 

Hiện nay, gánh nặng rủi ro cho nhà đầu tư thứ cấp, chúng tôi thấy rằng phải có biện pháp bảo đảm thực hiện lời hứa đảm bảo lãi suất 8 -12%/năm. Vấn đề trang bị, hoàn thiện, đồng bộ cảnh quan khu du lịch được đầu tư để nhà đầu tư yên tâm rằng những đóng góp của họ được đầu tư cho tiện ích khu du lịch ven biển.
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 4
TS.Lê Đăng Doanh - Ảnh: Quang Phúc.

Sản phẩm của thời đại kinh tế chia sẻ

Về nỗi lo thừa cung Condotel, theo TS Lê Đăng Doanh, đây là hoạt động nhanh nhạy về thị trường, tiếng chuông cảnh báo có ích giúp ngăn ngừa cung vượt cầu nhiều quá, dẫn đến đầu tư không phát huy hiệu quả.

Condotel với Việt Nam vẫn tương đối mới nhưng là sản phẩm của thời đại kinh tế chia sẻ. Trên thế giới ngày nay, số người phải bỏ đi làm ở chỗ khác tăng lên rất cao, nhiều người có căn hộ không chủ động condotel gì cả nhưng khi chuyển đi nơi khác phải cho thuê qua các ứng dụng cho thuê phòng. Các căn hộ này rẻ.

“Tôi đi họp ở nước ngoài, căn hộ khách sạn thì đắt nhưng khi sử dụng căn hộ chia sẻ thì rẻ hơn rất nhiều. Đây là xu hướng phải ủng hộ”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Cơ quan nhà nước nên tích cực tạo ra khung pháp lý, huy động đầu tư để tạo ra sản phẩm có tính hệ thống để người thuê biết được họ có lợi ích gì. Ví dụ, sắp tới tôi đi họp ở Budapest thì họ có dịch vụ giới thiệu tàu di chuyển như nào, nhà hàng xung quanh… 

“Tôi nghĩ rằng phải tạo khung pháp lý đầy đủ cũng như sản phẩm có tiêu chuẩn hợp lý với các nhà đầu tư thứ cấp”, Chuyên gia Lê Đăng Doanh khuyến nghị.

Ông Doanh cũng cho rằng, về vấn đề chia sẻ lợi nhuận dựa vào sự canh tranh của thị trường có lẽ còn lâu. 

“Với những sản phẩm như thế này, khó cạnh tranh, bắt nhà đầu tư kia giảm giá. Có ông cương quyết mua căn hộ này với hướng như này vì thầy phán. Như vậy, mình khó có thể dựa vào sức ép của cạnh tranh. Tôi cho rằng ở đây có bàn tay hướng dẫn hợp lý với tinh thần kiến tạo, không phải can thiệp hành chính”, ông Doanh nói.
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 5
Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: Quang Phúc.

“Tôi chưa thấy sổ đỏ nào của Condotel”

Ông Phạm Văn Thường - Trưởng phòng Quản lý Bất động sản - Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nêu quan điểm cá nhân:  doanh nghiệp sáng tạo những loại hình kinh doanh mới, pháp luật cũng có nhưng mang tính tương đối chung. Ví dụ, Luật Đất đai có quy định về nhà ở tương đối rõ nhưng những loại hình giữa ở - kinh doanh cũng có. 

Ông cho rằng, Condotel là loại hình bất động sản mới và các Luật chưa quy định cụ thể, chứ chưa phải chưa có. Doanh nghiệp cho rằng cần hết sức cụ thể mới làm được. 

Đối với những dự án du lịch nghỉ dưỡng hiện áp dụng theo Luật Đầu tư và chủ yếu các nhà đầu tư được địa phương chỉ định thầu hoặc giao đất. Trong đó, nhà đầu tư sẽ quy hoạch và được nhà nước phê duyệt. 

Condotel nếu đúng như trước đều là các dự án khách sạn cho thuê, nhưng nhà đầu tư muốn chia sẻ lợi ích, huy động vốn trong dân và muốn bán đi thay vì chỉ cho thuê. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường khi cấp sổ vướng chuyện sử dụng đất, như ông Châu nói luật có 2 loại thời hạn sử dụng: lâu dài và có thời hạn, lâu dài thì chỉ có đất ở. Tôi chưa thấy sổ đỏ nào ở Condotel, Tổng cục Đất đai cũng nói là chưa bao giờ thấy sổ đỏ, ông Thường nói.

Ông Phạm Văn Thường cũng cho biết, sau khi các Hiệp hội có ý kiến với Bộ Xây dựng về tính pháp lý sở hữu Condotel, Bộ Xây dựng đã báo cáo với Thủ tướng. Thủ tướng sau đó giao cho 3 bộ. Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn loại hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm vụ là xây dựng, quản lý, sở hữu tài sản trên đất. Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị khung pháp lý quản lý tài chính phát triển mô hình này.

Sắp tới, cơ sở pháp lý của các loại hình như này được tính đến rõ ràng hơn. Về nguyên lý thì doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, ông Thương nhấn mạnh.
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 6
Ông Phạm Văn Thường - Ảnh: Quang Phúc.

Gần đây, chúng tôi tổ chức các đoàn đến làm công tác địa phương, toạ đàm để nghe xem nhà đầu tư đánh giá thị trường như thế nào, cũng như nghe những đề xuất về pháp lý để thị trường phát triển bền vững, đúng luật để người dân không lo ngại, ông Thường cho hay.

“Hiện nói đến sự lo ngại của người dân, nếu tôi là dân tôi cũng lo ngại. Một loại hình chỉ dựa vào cam kết của chủ đầu tư, tôi không nói không tin tưởng cam kết chủ đầu tư nhưng cũng nhiều vấn đề. Khách hàng chúng tôi đánh giá là yếu thế hơn chủ đầu tư, hợp đồng do chủ đầu tư soạn chứ có phải là thoả thuận đâu. Cam kết phải do nhà nước quản lý thì chủ đầu tư mới không chạy đi đâu được”, vị đại diện cơ quan quản lý nêu quan điểm cá nhân.

Nhiều chủ đầu tư cam kết mạnh, mua 1 cái biệt thự 10 năm sau có nhà rồi, nghe rất đơn giản nhưng 10 năm sau mới là câu chuyện. Nhiều chủ đầu tư giải thích lúc đó có luật pháp, nhưng cũng phải đặt vấn đề.

FLC chọn con đường riêng...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC, cho biết, về phân khúc Condotel như các diễn giả chia sẻ, phân khúc này phản ánh sự quan tâm, phát triển lĩnh vực du lịch. Vài tháng trước đây chúng ta có hội thảo về du lịch, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ. 

Qua quá trình triển khai, kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, chúng tôi thấy du lịch Việt Nam phát triển đáng kể, thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài và trong nước, bà Kiều Dung nói.

Năm 2010, lượng khách nước ngoài tới Việt Nam hơn 5 triệu lượt, tăng gấp đôi vào năm 2016 và con số này còn gia tăng, đây là động lực rất lớn.

Tập đoàn FLC định hướng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng gắn với hạ tầng du lịch. Như ông Nguyễn Ngọc Thành (Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - PV) chia sẻ Condotel ở Việt Nam nhiều nhưng FLC chọn con đường riêng là những thị trường tiềm năng và nguồn cung còn rất ít. 
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 7
Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC - Ảnh: Quang Phúc.

Mỗi năm vài nghìn căn hộ nhưng nhu cầu rất nhiều, năm 2016 giao dịch 12.000 căn, 3 năm nữa lên 17.000 căn. Trong khi đó, số lượng các nhà đầu tư có năng lực phát triển Condotel chưa nhiều, đặc biệt, khách hàng quan tâm đầu tư lựa chọn chủ đầu tư năng lực thực sự. Họ không chỉ mua căn hộ Condotel mà còn tận hưởng những giá trị của nó. Như vậy, nhà đầu tư phải hướng tới phát triển tổng thể bên cạnh khối khách sạn để cạnh tranh, thu hút.

Cũng theo bà Hương Trần Kiều Dung, hiện nay, trên thị trường có nhiều ý kiến quan ngại về cung - cầu Condotel, nhưng với bản thân FLC chưa thấy gì. Với sự gia tăng khách du lịch hiện nay, Condotel vẫn chưa nhiều. 

Như anh Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM nói, các căn hộ cao cấp tại Tp.HCM giao dịch khó khăn, dấu hiệu bão hoà, song Condotel tôi chưa thấy có dấu hiệu đó. Đầu tư Condotel là xu hướng và thu hút các nhà đầu tư thông minh, bà Hương Trần Kiều Dung cho hay.

Về lợi nhuận Condotel, FLC có tính toán, tỷ lệ lấp đầy 40 - 50% thì đảm bảo lợi nhuận 10% cho khách hàng mỗi năm; nếu lấp đầy 60% trở lên thì chúng tôi có lãi. 

Mùa cao điểm, tỷ lệ lấp đầy của FLC lên tới 90%, mùa thấp điểm thấp hơn. Việc đầu tư của mỗi doanh nghiệp khác nhau nên các quyền lợi khách hàng khác nhau. Với các khu du lịch nổi tiếng, việc lấp đầy 40 - 50% không quá khó. 

Nhiều quan ngại về Condotel không vận hành được 10 năm, song chúng tôi thấy hiện nay nhiều khách sạn trên 10 năm vẫn hiệu quả. Tất nhiên trong quá trình hoạt động, Condotel sẽ thường xuyên được bảo trì, nâng cấp. Giả sử, trong quá trình vận hành chủ đầu tư phá sản thì sẽ phải được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác, cam kết các quyền lợi tối đa với nhà đầu tư. Do đó, không có rủi ro về tài sản, họ vẫn đảm bảo được vốn, lãi suất tốt hàng năm, Lãnh đạo Tập đoàn FLC cho hay.

Đây là xu hướng thế giới đã thực hiện rất lâu rồi, ở Việt Nam thì vẫn mới. Tập đoàn FLC cam kết quyền lợi tối đa đối với khách hàng, bà Hương Trần Kiều Dung nhấn mạnh.
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 8
Bà Hương Trần Kiều Dung - Ảnh: Quang Phúc.

Liên quan tới tính pháp lý, bà Hương Trần Kiều Dung cho biết, hiện nay, hình thức căn hộ khách sạn có rất lâu rồi nhưng điểm mới ở đây là phương thức kinh doanh. 

Để kinh doanh thì Condotel phải được xác nhận là nhà ở nhưng không hình thành đơn vị ở, người mua không có hộ khẩu ở đó. Điều này mang lại lợi ích lớn cho địa phương bởi tiền sử dụng đất xác định trên đất ở cao hơn nhiều so với đất dịch vụ, địa phương không bị tăng dân số do người mua không ở, lại thu hút thêm khách du lịch, cơ sở hạ tầng. 

Trên cơ sở đó, bà Dung đề nghị Bộ Xây dựng và đơn vị liên quan sớm có hành lang pháp lý, hỗ trợ cho Condotel đi vào hoạt động. Đây cũng là động lực để các chủ đầu tư mạnh tay đầu tư hơn nữa vào loại hình này.

“Condotel là xu hướng tất yếu”

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Vũ Thị Lan Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO, cho rằng, xu hướng của đầu tư Condotel là xu hướng từ rất lâu trên thế giới, mới bùng nổ ở Việt Nam khoảng 2 năm gần đây. 

Tại hội thảo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức tháng 10/2016, chúng tôi đã đưa dự báo Condotel bùng nổ ở Việt Nam. Năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 2020 dự kiến đón 20 triệu lượt khách quốc tế, gấp đôi cuối 2016. Vì vậy, để phát triển du lịch với tốc độ như vậy, cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú là cần thiết. 

Bà Lan Anh khẳng định, Condotel là xu hướng tất yếu, đầu tháng 8, CEO mới ra dự án Best Western Premier Sonasea Phu Quoc tại Phú Quốc, nhận được sự đón nhận tích cực từ thị trường Hà Nội và Tp.HCM với cam kết 10%/năm trong vòng 10 năm. 

Suất đầu tư với Condotel hấp dẫn, giá hơn 2 tỷ/căn với thị trường căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp theo tiêu chuẩn 5 sao, với chính sách hỗ trợ của ngân hàng, việc thu hồi vốn ngay từ khi bắt đầu ký kết thực hiện đã thấy lợi nhuận từ sản phẩm này, phù hợp với mức thu nhập trung bình. 

“Xu hướng ngôi nhà thứ 2 vừa nghỉ dưỡng hàng năm, với chính sách bây giờ, mức sống cao, bản thân du lịch nội địa gia tăng nên xu hướng đầu tư Condotel rất lớn, tính thanh khoản tốt, hấp dẫn với thị trường hiện nay”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO nói.
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 9
Bà Vũ Thị Lan Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO - Ảnh: Quang Phúc.

Về mặt pháp lý, bà Lan Anh cho hay, Hiệp hội Bất động sản, doanh nghiệp có kiến nghị với Bộ Xây dựng và Thủ tướng về văn bản pháp lý với Condotel, khách hàng mong muốn có giấy chứng nhận đảm bảo quyền sở hữu, đây cũng như là của để dành của họ. Tài sản được gia tăng giá trị và chúng tôi cho rằng, để đảm bảo quyền, lợi ích của khách hàng, nhà đầu tư chúng tôi mong muốn có văn bản hướng dẫn cho phép mua Condotel cấp giấy chứng nhận sở hữu gắn liền với đất.

Liên quan tới vấn đề về mặt pháp lý quy định người nước ngoài không được mua Condotel, bà Lan Anh cho rằng đây là hạn chế bởi hiện nay, đang muốn thu hút đầu tư từ nước ngoài nhưng việc người nước ngoài không được mua cũng hạn chế dòng vốn từ nước ngoài. 

“Với lợi nhuận và cam kết đầu tư như hiện tại cũng hấp dẫn với người nước ngoài, kể cả đang sinh sống làm việc tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Nếu có thể mở cửa cho đối tượng này cũng giúp tận dụng nguồn vốn phát triển từ nước ngoài”, bà Lan Anh nói.

Việc cam kết lợi nhuận trong 10 năm và sau 10 năm nữa như thế nào? Bà Lan Anh chia sẻ, với chiến lược của CEO thì lựa chọn những thương hiệu quản lý hàng đầu thế giới đồng hành như Accor hay Best Western… để mang lại lượng khách hàng, đảm bảo tỷ lệ lấp đầy. Thương hiệu nước ngoài bên cạnh việc họ có mạng lưới rộng lớn còn hỗ trợ quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài.

Với các tập đoàn quản lý thương hiệu quốc tế, vị này cũng cho rằng, việc quản lý Condotel rất minh bạch và rõ ràng, đảm bảo cam kết, lợi nhuận với nhà đầu tư. 

Sau 10 năm hết hạn quản lý đó, khách hàng đầu tư vào Condotel có thể lựa chọn sở hữu hoặc tiếp tục cho mô hình cho thuê với tỷ lệ 85% nhà đầu tư được hưởng, còn 15% chủ đầu tư được hưởng. Điều này cũng đảm bảo lợi ích tài sản lâu dài, sau 10 năm Condotel vẫn đảm bảo sinh lời. 

Để đảm bảo tài sản sinh lời sau 10 năm, theo bà Lan Anh, nhà đầu tư phải lựa chọn chủ đầu tư uy tín, lãi suất được hưởng nhưng sau 10 năm còn là giá trị gia tăng hay không thì phải chọn vị trí. Cho nên, việc đầu tư vào vị trí du lịch tiềm năng thì sẽ đảm bảo lợi ích tốt hơn.
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 10
Bà Vũ Thị Lan Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO và ông Giáp Văn Kiểm - Phó tổng giám đốc CEN Land - CEN Group - Ảnh: Quang Phúc.

“Condontel - kênh đầu tư hấp dẫn nhất”

Từ những kinh nghiệm có được, ông Giáp Văn Kiểm - Phó tổng giám đốc CEN Land - CEN Group, chia sẻ 3 điểm.

Thứ nhất, ông Hà cảm ơn các chủ đầu tư tiên phong đưa ra hình thức mới, khách hàng đến tổ hợp resort 5 sao, ví dụ FLC làm ở Sầm Sơn (Thanh Hoá) và Quy Nhơn.

Theo quan điểm của nhà phân phối, bây giờ mới là thời kỳ bắt đầu của Condotel. Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, nay mai 20 - 30 triệu khách, và chúng ta không lo lắng về nguồn cung. 

Đà Nẵng sắp tới tổ chức APEC cần 14.000 - 15.000 phòng, các dự án chẳng hạn như Cocobay đang gấp rút hoàn thành để đáp ứng nhu cầu. 

Làm thế nào hút khách du lịch quốc tế đến? Ông Giáp Văn Kiểm cho rằng, các khách sạn trước chưa được hoàn thiện, cần những resort 5 sao mới, cần những tổ hợp như Cocobay, Vin, FLC… Nguồn cung cần phát triển gấp chục lần nữa. 

Thứ hai, về khách hàng, đây là kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Các nhà đầu tư cam kết lợi nhuận tối thiểu 8%/năm, 10%/năm tương đương 200 triệu đồng/năm cho mỗi căn hộ 2 tỷ, sau 10 năm đương nhiên giá đất tăng, trong khi gửi lãi suất ngân hàng 6,8%. 

Ngoài lợi nhuận, khách hàng còn được ở Condotel, thậm chí đi cả chuỗi nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư. 

“Các chủ đầu tư đang mang lại hạ tầng cho Việt Nam chứ chưa lãi nhiều. Tập đoàn FLC thậm chí đề xuất thành lập hãng máy bay, đưa khách đến các khu resort”, ông Giáp Văn Kiểm cho hay. 

Thứ ba, về pháp lý, tâm lý sau 10 năm giá đất ở Việt Nam thậm chí đắt hơn Singapore, Thái Lan nhưng không bán được nên vấn đề pháp lý cần làm rõ hơn. Cần nhìn xa hơn về vấn đề cho người nước ngoài mua, làm thế nào để họ yên tâm đầu tư, họ chắc chắn sẽ đến ở Việt Nam, mang theo gia đình, bạn bè và chi tiêu tại Việt Nam.
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 11
Ông Giáp Văn Kiểm - Ảnh: Quang Phúc.
 


Ông Giáp Văn Kiểm cho rằng, Condotel là phân khúc có thanh khoản tốt nhất. Ở miền Bắc và Tp.HCM, bất động sản cao cấp chững lại nhưng Condotel vẫn rất cao bởi nó được xem như một kênh đầu tư, không đầu tư ở tỉnh này đầu tư ở tỉnh khác.

Bất động nghỉ dưỡng là kênh ưu việt 

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phú Quý Land, cho hay, Cocobay mới khai trương 1.000 phòng gần đây nhưng luôn cháy phòng, bây giờ muốn book phòng thì tháng 10 mới có. Nhìn sang hàng xóm là Thái Lan, dân số 70 triệu người nhưng năm 2016 có tới 35 triệu khách tới Thái Lan, số lượng phòng tại Pattaya có 100.000 phòng nhưng luôn lấp đầy 90%. 

Phát triển Condotel ở Việt Nam là giai đoạn đầu tiên của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng. 

"Bất động sản ở các trung tâm lớn tăng trưởng chậm vì nhiều lý do với nhu cầu ở chững lại, khai thác cho thuê ở các thành phố lớn tỷ suất lợi nhuận thấp, bảo trì bảo dưỡng kém, sau một thời gian bị giảm giá. Tiềm năng sinh lời của bất động nghỉ dưỡng là kênh đặc biệt ưu việt so với loại hình đầu tư truyền thống”, ông Hà nói.

Vừa rồi, Phú Quý Land có làm việc với khách hàng Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, họ rất quan tâm thị trường Việt Nam. Họ rất yêu thích sản phẩm nhưng hồ sơ pháp lý hoàn thiện rất khó. Đây là khuyết điểm nên kiến nghị có hành lang pháp lý, sớm cởi mở cho đối tượng này, nhằm phát triển Condotel, khai thác tiềm năng kinh tế biển. 
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 12
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phú Quý Land - Ảnh: Quang Phúc.

“Chúng ta ra nước ngoài mua được thì sao không cho phép người nước ngoài mua tại Việt Nam?”, ông Hà đặt câu hỏi và chia sẻ thêm, Việt Nam có nhiều địa danh đẹp, vừa rồi tôi sang Singapore thì thấy Hội An, trên website của họ đều có phần book sang Việt Nam. Lái xe taxi ở đó cũng biết tới Vịnh Hạ Long, Tp.HCM… 

Về Condotel, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, hiện nay, chủ đầu tư chưa chú ý lắm về Hà Nội. Hiện 84% cung phòng là khách sạn lớn, khách sạn lớn đang cấp tập đưa vào sử dụng. Đây là cơ hội cho loại hình hometel.

Phát triển Condotel đồng hành cùng phát triển ngành du lịch

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch, nói: Mọi người đã bàn nhiều về việc nhà đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp, khung pháp lý cho Condotel, tôi sẽ đưa ra góc nhìn hơi khác một chút, đánh giá theo định hướng thị trường, mong muốn của thị trường như thế nào? Nghiên cứu thấu đáo mới có thể phát triển bền vững. 

Trước tiên, theo ông Chính, ngành du lịch thời gian vừa qua phát triển rất tốt. Năm 2016, có 62 triệu lượt khách nội địa, hơn 10 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, khi trình bày trong Diễn đàn Kinh tế Tư nhân, chúng tôi đã trình bày ý kiến với Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng, du lịch muốn đạt được như Nghị quyết 08 thì cần tập trung phát triển thị trường có thu nhập cao và ở lưu trú dài hạn.

Lâu nay, hình như các cơ quan quản lý nhà nước, ngành du lịch mới tập trung số lượng, chưa tập trung chất lượng. Condotel trùng với mong muốn của chúng tôi, tập trung khách chi trả cao và ở lâu dài. 

Thứ hai, nhận định chuyên gia quốc tế khi nói thách thức đối với ngành du lịch Việt Nam là cơ sở hạ tầng, thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế chưa được thông thoáng và lo ngại về sự bền vững của môi trường.
“Tôi đánh giá cao nhà đầu tư đã mạo hiểm phát triển condotel sớm” 13
Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch - Ảnh: Quang Phúc.

Ông Chính cũng cho rằng, phát triển Condotel đồng hành cùng phát triển ngành du lịch Việt Nam. 

"Tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam đang đứng thứ 117/136 trên thế giới ở môi trường đầu tư bền vững. Chúng ta không nghĩ đến môi trường thì không biết 10 năm sau, nhiều điểm du lịch có còn được tốt không?”, ông Chính nói. 

Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch cho biết, khách quốc tế đang lo ngại nhất là môi trường bền vững ở khu du lịch. Nếu các khu du lịch cho khách quốc tế nhìn thấy ảnh hưởng đến môi trường họ sẽ tẩy chay, không đến. Khi làm khu du lịch biển nên lưu ý điều này. Tuy nhiên, khách quốc tế đánh giá rất cao về tài nguyên văn hoá, thiên nhiên của Việt Nam. 

Năm 2015, có một khảo sát cụ thể với Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam. Chúng tôi nhận thấy khách quốc tế đến Việt Nam đều đánh giá rất cao cảnh quan thiên nhiên, bầu không khí, ẩm thực. Riêng với hoạt động văn hoá, khách quốc tế nói rằng có những điểm thu hút nhưng chưa được quan tâm lắm. Mong các nhà đầu tư biết và đưa ra phát triển văn hoá hợp lý.

“Thực tế, vừa rồi chúng tôi đi các resort bỏ quên mất vấn đề văn hoá. Khách quốc tế đến thường đi theo hộ gia đình, có trẻ em, họ đánh giá resort Việt Nam chưa quan tâm, chưa có nhiều hoạt động văn hoá. Tất nhiên, gần đây một số doanh nghiệp, resort mới có quan tâm đến vấn đề này rồi”, ông Chính nói.

Ông Hoàng Nhân Chính kiến nghị cần có các cuộc khảo sát, không được thường niên thì cũng hai năm một lần, đánh giá đúng như cầu khách hàng cần gì, chơi gì, loại hình nào. Ví dụ, hiện ở Sapa khách du lịch quá lớn ảnh hưởng đến sức chứa, có mặt tích cực và tiêu cực. Nếu phát triển nóng quá, du lịch sẽ ảnh hưởng đến môi trường, xã hội. 

Hiện nay, điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 30% khách quay lại. Muốn khách quay lại phải biết nhu cầu của khác, họ mong muốn điều gì để đáp ứng. 

“Nếu chúng ta làm cho khách hàng hài lòng thì lượng khách quay lại sẽ nhiều hơn. Muốn làm được vậy thì phải biết khách hàng mong muốn điều gì”, vị này nhấn mạnh. 

Khi đưa ra sản phẩm, nhà đầu tư cũng phải cân nhắc xem cái gì phù hợp. Tôi cũng lưu ý thêm, ở resort có tính mùa vụ. Ví dụ, thời điểm hiện tại đang rất lạc quan về tỷ lệ phòng cao nhưng sắp tới có thể thay đổi. Hiện có một số vùng tính mùa vụ cao, làm sao để đưa ra sản phẩm phù hợp như thu hút thêm khách MICE (hội nghị).

“Nếu thu thuế tài sản thì nhiều người chết chắc”

Condotel rất hấp nhưng có rủi ro gì không?, ông Nguyễn Ngọc Thành nêu câu hỏi và cho rằng Chính sách bán hàng của các nhà đầu tư công bố bằng hợp đồng, giá trị thể hiện trên hợp đồng, lợi nhuận trên giá trị pháp lý rất chặt. 
Ngoài hưởng lợi nhuận trong 10 năm nhà đầu tư cũng muốn đưa ra nhận thức khi mua đã hoà vốn và được hưởng ưu đãi nghỉ dưỡng bao nhiêu đêm/năm. Suy cho cùng rất hấp dẫn. Hợp đồng phân chia lợi nhuận thường 80-20%.

Có rủi ro, khách quan như chính sách nhà nước. Ví dụ, chính sách xuất nhập cảnh liên quan đến người nước ngoài đến du lịch, mua sở hữu Condotel và chúng tôi kỳ vọng sẽ thuận lợi. 

Tôi được biết, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng giao các bộ ngành nghiên cứu, nhưng xác định nhà ở ngoài đơn vị ở là những khái niệm điều tiết lợi nhuận của nhà đầu tư, các quy định hạn chế sẽ thất bại. 

“Các nhà đầu tư vẫn cam kết đảm bảo có, khách hàng tin cậy nhưng khách quan, luật có quy định cam kết không đúng pháp luật vô hiệu. Những cái đó là đẩy rủi ro cho người mua mặc dù ý chí nhà đầu tư không có ý làm hại mà họ tin cậy đề xuất sẽ được tiếp nhận”, ông Thành nói.

Nhiều khi áp lực khiến anh khai thác quá công suất của nó, không chú trọng tới khâu vận hành, khai thác. Trong khi nhà đầu tư chắc chắn là được thu 10% về hàng năm, sau 10 năm được 80% và được những ngày nghỉ theo thoả thuận. 

Tuy nhiên, hiện còn đang tính tới thu thuế tài sản. Nếu thu thuế tài sản thì nhiều người “chết chắc” bởi có nhiều căn hộ, lãi nhiều khi không đủ bù cho nộp thuế. Đấy cũng là rủi ro cảnh báo khách hàng. 

Ông Thành chia sẻ: “Người mua phải kiểm soát được chi phí, thì 80 - 85% thì thậm chí cũng chỉ vô nghĩa, chưa nói đến lỗ. Họ có thể mất tài sản vì chủ đầu tư mất giá trị thương hiệu, tự nhiên giá trị tài sản mất đi. Cho nên các chủ đầu tư rất tốt, đem giá trị cho xã hội, cho khách hàng, phải giữ thương hiệu, khách hàng chứ không phải đến một thời điểm nào đó các bạn rời khỏi cuộc chơi bỏ lại khách hàng.

Nếu chúng ta không hoàn thiện sớm. Chúng ta đã có hướng đi, nhiều hội nghị, diễn đàn, Bộ Xây dựng đã tiếp thu ý kiến và đưa vào sửa đổi thời gian tới”.

Tham gia buổi tọa đàm có các diễn giả:

- Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

- Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM

- Ông Phạm Văn Thường - Trưởng phòng Quản lý Bất động sản - Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

- Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia.

- Ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế cao cấp

- Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC

- Bà Lan Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO

- Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phú Quý Land 

- Ông Giáp Văn Kiểm - Phó Tổng giám đốc CEN Land - CEN Group