1. Nghị quyết 11 thắt chặt tín dụng BĐS

Trước áp lực phải kiểm soát lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô. Ngày 24/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 và ngày 01/03, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01. Theo đó, ngân hàng siết chặt tín dụng, giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực BĐS, so với năm 2010 (tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa đến 31/12/2011 là 16%).

Biện pháp này đã có tác động lớn đến thị trường BĐS, nguồn vốn chủ yếu nuôi dưỡng cho thị trường nhà đất bỗng suy giảm mạnh đã dẫn tới chênh lệch cung - cầu lớn, giá BĐS giảm mạnh chưa từng có và nằm ngoài dự báo của các chuyên gia.

2. Làn sóng bán tháo gây sốc thị trường

Chỉ trong vòng từ tháng 4 - 6/2011 giá đất nền tại 70% các KĐTM nằm ở ven nội thành Hà Nội đều giảm giá. Đáng chú ý, các dự án phía tây có mức tụt giá lên đến 20 - 30% như Kim Chung Di Trạch, Gelexinco Lê Trọng Tấn, Văn Phú…

Đến nay, với chủ trương đưa tỷ trọng dư nợ về 16%, các ngân hàng gia tăng siết các khoản nợ. Một đợt bán tháo BĐS lại tiếp tục xảy ra khiến giá đi xuống. Làn sóng bán tháo bắt đầu bằng sự kiện gây sốc trên thị trường BĐS TP.HCM khi chủ đầu tư Cty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) đã điều chỉnh giảm giá bán căn hộ tới 35%, tiếp theo đó, tại Hà Nội Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 đã đưa ra quyết định giảm giá từ 5 - 7 triệu đ/m2 căn hộ tại dự án VP3 Linh Đàm và CT6 Xa La thuộc khu nhà ở Bemes Cầu Bươu. Đây là khởi đầu cho "làn sóng" giảm giá trên thị trường BĐS hai miền Nam, Bắc những tháng cuối năm.

3. Vỡ nợ tín dụng hàng loạt liên quan đến BĐS

Năm 2011 ghi nhận hàng loạt các vụ vỡ nợ của các “đại gia” buôn đất. Theo điều tra cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến cho các chủ nợ tuyên bố vỡ nợ do giá BĐS giảm quá sâu trong một thời gian dài khiến các khoản lãi vay bị đội lên từng ngày. Vì vậy, các đối tượng này mất khả năng thanh toán. Thống kê từ Văn phòng công chứng cho biết, trong 10 trường hợp thì có đến 8 trường hợp công chứng bán nhà để gán nợ do chủ nhà không có tiền để trả nợ vay. Thông tin về những chủ nợ đã bị cơ quan công an bắt giữ cũng không làm nguội được phần nào sức nóng của áp lực trả nợ khi mà hệ thống các chủ nợ trung gian vẫn ngày ngày đối mặt với những món nợ mà mới ngày nào việc hùn hạp, vay mượn còn phải nhờ đến những mối quan hệ ưu ái mới được chấp nhận cho tham gia.

4. Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Hà Nội

Sau nhiều chờ đợi, ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình. Tuy nhiên, một số bộ, ngành sẽ chuyển trụ sở đến khu Mỹ Đình và khu tây Hồ Tây. Không quy hoạch các cơ quan Chính phủ tại Ba Vì… Cũng theo quy hoạch, Hà Nội có đô thị trung tâm từ vành đai IV trở vào là trung tâm chính trị, văn hóa, dịch vụ, y tế, giáo dục chất lượng cao của cả nước. Cùng với đó, hình thành năm đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn và các đô thị sinh thái. Đặc biệt, Hà Nội có khu vực hành lang xanh nằm giữa khu trung tâm và các đô thị vệ tinh. Theo tính toán của các chuyên gia, để thực hiện được dự án này thì số vốn phải lên tới 300, thậm chí là 400 tỷ USD. Ước tính, 20 năm cho Hà Nội bằng 4 năm GDP của cả nước.

5. Xung đột tại các chung cư cao cấp

Thị trường chung cư cao cấp kết thúc một năm đầy “khó nhọc” khi hàng loạt các vụ kiện cáo xảy ra. Nếu các dự án chưa đi vào hoạt động, chủ đầu tư và cư dân kiện nhau về tiến độ dự án, lãi suất đóng tiền theo tiến độ… thì tại các dự án đã được bàn giao nhà cư dân và chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung về phí dịch vụ đã đưa nhau ra tòa. 4 vụ tranh chấp chung cư đình đám nhất năm 2011: Tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam bị cư dân khởi kiện về phí dịch vụ, chủ đầu tư và cư dân Golden Westlake kiện nhau về tranh chấp diện tích chung riêng, Làng Việt Kiều Châu Âu bị tố áp lãi suất khủng, chủ đầu tư chung cư Quốc Cường 1 và khách mua đưa nhau ra tòa về việc giao nhà chậm nhưng không trả tiền bồi thường cho dân.

6. Ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Xây dựng soạn thảo. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên các nhóm giải pháp khắc phục bất cập của thị trường BĐS được nghiên cứu hệ thống.

Chiến lược hành động hướng tới mục tiêu mỗi năm đầu tư xây dựng mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở. Đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26m2 sàn/người và tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án tại các đô thị loại đặc biệt đạt trên 80%, đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 50%, đô thị loại III đạt trên 30% tổng số đơn vị nhà ở xây dựng mới; tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 20% tổng quỹ nhà ở tại các đô thị loại III trở lên; phấn đấu xây dựng mới tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án tại các đô thị loại đặc biệt đạt trên 90%.

7. FDI vào BĐS năm 2011 thấp nhất trong 5 năm qua

Năm 2011 lại đánh dấu một năm giảm sút nghiêm trọng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS, và là năm đạt con số thấp nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, năm 2008 đạt khoảng 23,6 tỷ USD, năm 2009 đạt 7,6 tỷ USD, năm 2010 đạt 6,8 tỷ USD trong khi đó đến hết tháng 11/2011 vốn FDI vào BĐS mới đạt 464 triệu USD, thấp kỷ lục so với những năm trước đó. Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân khiến luồng vốn FDI vào BĐS suy giảm là do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến các DN nước ngoài thay đổi chiến lược. Một lý do khác là, thị trường BĐS Việt Nam đang đương đầu với nhiều khó khăn, như tính thanh khoản thấp, giao dịch trầm lắng, chính sách thắt chặt tín dụng… khiến các nhà đầu tư BĐS ngoại e dè, có tâm lý nghe ngóng. Bên cạnh đó, phân khúc mà các nhà đầu tư BĐS nước ngoài có thế mạnh là căn hộ, văn phòng cao cấp và BĐS nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu bão hòa, dư cung và khó thanh khoản, nên họ lo lắng rủi ro cao.

8. Bộ Xây dựng quyết liệt đẩy mạnh xây nhà ở cho công nhân lao động

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, KCX. Đa số họ là dân ngoại tỉnh đến làm việc và có nhu cầu về chỗ ở, tuy nhiên chỉ có khoảng 20% có chỗ ở ổn định. Theo dự báo đến năm 2015, có khoảng 2,65 triệu công nhân lao động tại các KCN, KCX có nhu cầu về chỗ ở, tương đương khoảng 21,2 triệu m2 nhà ở và đến 2020 có khoảng 4,2 triệu công nhân lao động có nhu cầu về chỗ ở, cần khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở. Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu kế hoạch đề ra. Phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN đang rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, các thành phần kinh tế, DN sử dụng lao động, đặc biệt là những cơ chế, chính sách thực sự hiệu quả từ phía Nhà nước.

9. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tập đoàn kinh tế thoái vốn đầu tư BĐS trước năm 2015

Việc thoái vốn khỏi các ngành kinh doanh không liên quan theo đúng lộ trình có thể làm các tập đoàn kinh tế nhà nước mất đi khoản lợi nhuận không nhỏ, nhưng cái được lớn nhất là vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế, tập trung vốn, nguồn lực vào những lĩnh vực then chốt mà nhà nước cần đầu tư, để đảm bảo các tập đoàn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, muộn nhất là trong quý I/2012, các bộ, ngành chức năng phải hoàn thành mô hình sắp xếp của các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng tập trung vào ngành nghề chính mà Chính phủ giao. Kế hoạch thoái vốn của đa phần tập đoàn kinh tế nhà nước bắt đầu với lĩnh vực ngân hàng, BĐS.

10. Dự án nhà thu nhập thấp bung hàng

Giữa năm 2011, thị trường Hà Nội đón nhận liên tiếp 5 dự án nhà thu nhập thấp mở bán, giải áp lực đăng ký nhiều phải xét và bốc thăm như đã diễn ra tại dự án đầu tiên mở bán năm 2010. Đã xuất hiện dự án nhà thu nhập thấp tại khu vực ngoại thành “chết” theo thị trường ảm đạm nhưng không thể nói nhà thu nhập thấp ế bởi trên thực tế những dự án vị trí đẹp như Kiến Hưng, Đại Mỗ vẫn hút khách, tỷ lệ đăng ký nhiều gấp 2 lần số căn hộ cung cấp ra thị trường. Con số đối tượng được mua không đủ tiền xin rút hồ sơ của dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng chỉ là cá biệt trong khi danh sách đối tượng có nhu cầu nhưng bốc thăm không trúng còn lên tới hàng trăm.