Gói tín dụng giúp nhiều người dân có nhà ở.
Về đối tượng được vay, NHNN khẳng định cần phải hỗ trợ cả cung và cầu thị trường. Nhà nước hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội thì phải có nhà cho người dân mua, vì vậy Thông tư quy định cả hỗ trợ cho bên cầu và bên cung.
Về thắc mắc tại sao cho doanh nghiệp vay lãi suất ưu đãi 6% để làm ra những sản phẩm mà hoàn toàn có thể làm được với lãi suất bình thường, NHNN cho rằng đã có sự nhầm lẫn về mức giá 15 triệu đồng/m2 đối với nhà ở xã hội. Thực tế giá nhà ở xã hội hiện thấp hơn nhiều so với mức giá này.
Ngân hàng chỉ cho vay đối với các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội và dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để có nguồn cung cho các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở được quy định trong Thông tư. Nhờ đó, các doanh nghiệp được vay vốn sẽ có điều kiện hạ giá thành và cung cấp sản phẩm cho người mua với giá hợp lý nhất.
Về việc trả nợ trước hạn, NHNN khẳng định người dân hoàn toàn có thể trả nợ trước hạn. Khoản 1, Điều 5 của Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định rõ “Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay dưới 10 năm, khách hàng được thỏa thuận với ngân hàng thời hạn cho vay thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu”.
Về quy định vốn tối thiểu, NHNN cho rằng, khách hàng phải có số vốn tối thiểu trong phương án vay là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích của khách hàng, NHNN cho phép các ngân hàng công bố mức vốn tối thiểu nhưng không quá 20% của phương án vay.
NHNN tái khẳng định, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng không phải để cứu thị trường bất động sản mà tạo cơ hội cho một số người thu nhập thấp, trung bình trong xã hội có thể mua được nhà ở phù hợp, đồng thời qua đó tạo niềm tin cho thị trường, lan tỏa tới các phân khúc khác của thị trường, góp phần điều chỉnh cơ cấu của thị trường bất động sản sát với nhu cầu xã hội.