Tại hội thảo “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh” tổ chức ngày 20/3 vừa qua, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, đại diện Bộ Xây dựng và các chuyên gia bất động sản đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về tương lai thị trường bất động sản.
Các vị khách tham gia trao đổi gồm: Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; ông Lê Trọng Hiếu, GĐ khối, Công ty TNHH CBRE Việt Nam; ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HOREA). Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:
- TS. Võ Trí Thành: Năm 2017, Chính phủ có quyết định về việc thành lập 3 đặc khu kinh tế (Vân Đông – Bắc Vân Phong – Phú Quốc). Đây được cho là một chính sách đột phá và rất được người dân kỳ vọng. Liên quan vấn đề này, xin ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết trong năm 2018 thị trường bất động sản có chính sách nào đột phá không?
Ông Nguyễn Mạnh Khởi: Nhìn chung chương trình hành động về bất động sản và xây dựng trong năm 2018 sẽ có những đột phá liên quan đến lĩnh vực này.
Đầu tiên phải kể đến việc hoàn thiện thể chế và cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngay từ thời điểm cuối năm 2017, Bộ Xây dựng đã đặt mục tiêu tinh giản thủ tục hành chính thông qua cải cách. Cũng trong thời gian này, Bộ đã có dự thảo Nghị dịnh trình Chính phủ trong quý II/2018 để ban hành.
Thứ hai là việc mở thêm các điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhất là với hoạt động đầu tư kinh doanh của khối ngoại, thể hiện qua việc sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Thứ ba, là việc tạo hệ thống thông tin đầy đủ, cụ thể về thị trường bất động sản.
Cuối cùng là xác định các điểm vướng trong hoạt động kinh doanh, những nội dung đang tranh cãi dự kiến sẽ được làm rõ trong đợt này.
Đại diện Bộ Xây dựng và các chuyên gia kinh tế, bất động sản đều cho rằng chính sách
cho thị trường bất động sản năm 2018 sẽ có nhiều đột phá. Ảnh minh họa
- TS Võ Trí Thành: Còn nhớ đề xuất về thuế tài sản đã được bàn luận vào năm 2004 và mới đây vấn đề này lại được đưa ra, theo ông, khi nào thuế tài sản mới được áp dụng?
Ông Nguyễn Mạnh Khởi: Các chính sách liên quan hiện đang được Bộ Tài chính soạn thảo theo yêu cầu của Chính phủ. Ở góc độ cá nhân, theo tôi đã đến lúc có nghiên cứu Luật này vì nhiều nước trên thế giới đã có.
- TS Võ Trí Thành: Khi dự báo về thị trường bất động sản năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng khu vực nhà ở sẽ tăng trưởng tích cực, với sự nổi lên mạnh mẽ của phân khúc nhà ở giá thấp. Vậy xin hỏi ông Lê Trọng Hiếu, về thị trường bất động sản thời gian tới ông nhìn nhận sẽ như thế nào?
Ông Lê Trọng Hiếu: Có thể nói ngắn gọn rằng thị trường bất động sản năm 2017 đã phát triển tích cực trên nhiều mảng phân khúc. Chẳng hạn như thu hút đầu tư nước ngoài tốt tượng trưng cho nguồn cầu, kéo theo đó là sự thành lập nhiều khu công nghiệp mới, thị trường cũng phát triển bền vững hơn.
Nhà ở chính là phân khúc "nóng" tiếp theo. Thường thì khi các dự báo được đưa ra, thị trường sẽ có những cách thích ứng linh hoạt với dự báo đó. Tôi có thể dẫn một ví dụ: Việc Chính phủ ban hành chính sách cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua tài sản tại Việt Nam tạo tiền đề giúp thị trường phát triển bền vững hơn do có thêm nguồn cầu bên ngoài kết hợp với nguồn cầu trong nước. Việc Chính phủ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng chính là cú hích giúp phân khúc đất nền “nóng” dần lên. Các nhà đầu tư nhanh chân thu gom trước để chuẩn bị cho tương lai.
Thêm nữa, ở phân khúc bất động sản văn phòng, chính sách mới cũng cho phép tổ chức nước ngoài được sở hữu tòa nhà văn phòng, điều này kéo theo sự xuất hiện nhà đầu tư trong nước, ngoài nước giúp thị trường bền vững hơn.
Bên cạnh đó, đặc khu kinh tế cũng sẽ là một điểm sáng và là định hướng tốt cho năm 2018. Cụ thể, 3 đặc khu thành lập, gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh) - Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) - Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy nhiên, chính sách thuế dành cho các đặc khu này hiện chưa có nhiều sự khác biệt (giữa khu kinh tế, khu công nghệ cao và đặc khu không có gì khác nhau nên doanh nghiệp khi lựa chọn cũng không thấy sự khác biệt nhiều).
- TS. Võ Trí Thành: Giả sử được chọn ba chính sách để kiến nghị thì ông Lê Hoàng Châu có thể cho biết ông sẽ chọn gì? Xin ông nêu thêm những rủi ro mà các nhà đầu tư bất động sản cần quan tâm?
Ông Lê Hoàng Châu: Tôi xin đề xuất ba chính sách sau: Thứ nhất là sửa Luật Đất đai, sửa quy định quyền sử dụng đất, đất du lịch nghỉ dưỡng. Thứ hai là sửa nhóm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đấu thầu để tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch.
Thứ ba và cũng là đề xuất quan trọng nhất là kiến tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp được bình đẳng trước pháp luật.
Theo tôi, rủi ro mà các nhà đầu tư bất động sản cần quan tâm lớn nhất chính là rủi ro về cung – cầu. Hiện thị trường đang xuất hiện tình trạng mua bán mang tính “kỹ thuật” và cung - cầu đang lệch pha về sản phẩm và phân khúc.
Một cảnh báo nữa liên quan đến tình trạng sốt đất nền tại Tp.HCM đầu năm 2017. Sau khi lắng xuống, cơn sốt này đã quay lại, trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang rất băn khoăn khi mà quy hoạch chưa mang tính đầy đủ, thêm nữa là những rủi ro từ biến đổi khí hậu, cụ thể là tình trạng nước biển dâng.