Chuyển biến thị trường và những nghịch lý
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết điểm lại quá trình phát triển thị trường BĐS Việt Nam kể từ năm 1990 đến nay đã có 3 lần sốt. Đó là giai đoạn từ 1992-1993, giai đoạn 2001-2003 và từ 2007-2009. Điều này đã phản ánh những đặc trưng của nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Giá đất tăng từ thấp lên cao, khiến việc đầu tư vào BĐS mang lại hiệu quả bất ngờ cho nhiều người. Tình trạng tích trữ đầu cơ diễn ra phổ biến trong khi đó các chính sách quản lý đất đai còn chậm đổi mới, thiếu chuyên nghiệp và không phù hợp với sự phát triển nhanh của nền kinh tế - xã hội.
Sở dĩ có những tồn tại nêu trên là do thị trường BĐS phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế vĩ mô cũng như chính sách của Nhà nước. Trước đây, các chiến lược, quy hoạch không đồng bộ với hạ tầng, dịch vụ công cộng ở đô thị; không tính đến lợi ích, chi phí, rủi ro cũng như năng lực triển khai trên thực tế. Các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà ít để ý đến các vấn đề khác của xã hội, môi trường; cơ chế quản lý còn nhiều tồn tại gây khó khăn cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng... Bên cạnh đó chưa có các cơ chế đầu tư tài chính dài hạn cho thị trường BĐS, nhất là nguồn vốn từ bên ngoài.
Thị trường BĐS sẽ hết thời ăn xổi (Ảnh minh họa)
Xu hướng thay đổi tích cực
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2015, thị trường BĐS có nhiều chuyển biến tích cực cả về chất lẫn lượng và ngày càng đi vào thực chất hơn. Các giao dịch thị trường sẽ công khai minh bạch và quyền lợi của người mua được đảm bảo hơn.
Anh Nguyễn Xuân Thắng, đại diện cho một sàn BĐS cho biết, thị trường BĐS năm 2015 sẽ cơ bản theo quy luật cung cầu của kinh tế thị trường, nghĩa là hai bên mua và bán đều phải thỏa mãn nhu cầu của nhau. Đối với những dự án ở xa trung tâm, không thuận lợi trong sinh hoạt, đi lại, hạ tầng yếu thì giá rẻ cũng khó bán. Ngược lại, những dự án có vị trí tốt, chất lượng tốt dù giá cao nhưng tính thanh khoản cao vẫn đắt hàng.
Thời gian gần đây, thị trường có xu hướng “đầu tư” nhiều hơn chứ không “đầu cơ” như trước đây. Ngoài những người có nhu cầu về nhà ở thật thì nhiều người không có nhu cầu, thậm chí ở các tỉnh khác vẫn tìm mua căn hộ tại Hà Nội để cho thuê hoặc chờ được giá sẽ bán. Bởi lẽ, lãi suất huy động của ngân hàng có xu hướng xuống thấp, thị trường vàng bấp bênh, chứng khoán nhiều rủi ro nên nhiều người sẽ lựa chọn bất động sản để đầu tư.
Cũng theo anh Thắng, một xu hướng khác mới xuất hiện là chủ các sàn giao dịch bất động sản đang “săn” các dự án tiềm năng có khả năng sinh lời để “xuống tiền” trực tiếp với mong muốn được phân phối độc quyền thay vì chỉ phân phối kiếm chênh lệch như trước.
Có như thế, thị trường BĐS sẽ chấm dứt tình trạng “ăn xổi ở thì”.