Công trình FPT Complex tại Đà Nẵng có khả năng giảm 21% năng lượng điện, tiết kiệm 32% lượng nước và 20% chi phí năng lượng nhờ sử dụng các vật liệu xanh.

Ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) về Các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, thời gian qua?
- Theo tổng kết của Chương trình môi trường LHQ (UNEP), có đến 40% năng lượng toàn cầu được sử dụng trong CTXD. Ở nước ta, năng lượng sử dụng trong công trình nhà ở và nhà công cộng chiếm 36,9% năng lượng quốc gia, chỉ đứng sau sản xuất công nghiệp (39,9%). Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Trong lĩnh vực xây dựng nhà và công trình, Bộ Xây dựng đã ban hành QCKTQG QCVN 09:2013/BXD về Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả theo Thông tư số 15/2013/TT-BXD ngày 26/9/2013. Đây là quy chuẩn được soát xét trên cơ sở Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 09:2005. Theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng (ĐTXD), quy chuẩn này bắt buộc áp dụng đối với các CTXD mới hoặc cải tạo chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, bệnh viện, trường học có diện tích sàn lớn hơn hoặc bằng 2.500m2. Việc kiểm tra sự tuân thủ các yêu cầu của quy chuẩn này đối với các dự án ĐTXD công trình được thực hiện qua các khâu lập dự án, thiết kế, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, thi công và nghiệm thu CTXD hoàn thành, bảo trì công trình trong quá trình vận hành.
Từ thực tiễn xây dựng các CTXD tuân thủ QCKTQG QCVN 09:2013/BXD, có thể thấy rằng việc tuân thủ quy chuẩn này mang lại hiệu quả rất tốt về kinh tế kỹ thuật: Chi phí ĐTXD có thể tăng từ 1 - 3%, thời gian hoàn vốn từ 1 - 5 năm, song năng lượng tiết kiệm được từ 15 - 30%, cá biệt có những công trình có giải pháp tốt sẽ tiết kiệm được đến 50% năng lượng sử dụng. Điều đó rất có ý nghĩa trong suốt vòng đời vận hành của CTXD (50 - 100 năm).
Thông qua kết quả kiểm tra thường xuyên của Bộ Xây dựng và kết quả điều tra khảo sát do các tổ chức quốc tế thực hiện (như Tổ chức tài chính quốc tế IFC, Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ USAID) cho thấy, việc thẩm định hồ sơ thiết kế các dự án ĐTXD tại các địa phương, nhất là kiểm tra sự tuân thủ các yêu cầu của QCVN 09:2013/BXD đã được thực hiện khá nghiêm túc.
Kết quả lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại các địa phương và các tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn ĐTXD… tại các hội thảo, tập huấn về CTXD tiết kiệm năng lượng cho thấy, năng lực quản lý nhà nước còn hạn chế, nhất là kỹ năng kiểm soát sự tuân thủ các yêu cầu của quy chuẩn. Hơn nữa, năng lực tư vấn thiết kế CTXD hiệu quả năng lượng không đồng đều, nhất là vai trò của chủ nhiệm đồ án và các chủ trì thiết kế kết cấu bao che của công trình, hệ thống kỹ thuật thông gió và điều hòa không khí, chiếu sáng và các hệ thống kỹ thuật sử dụng năng lượng còn hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi toàn diện các yêu cầu của quy chuẩn.
Từ thực trạng này, đặt ra vấn đề gì trong việc sửa đổi QCVN 09:2013/BXD phù hợp với thực tế hơn?
- Việc soát xét QCKTQG nói chung và QCVN 09:2013/BXD nói riêng được thực hiện theo kế hoạch (thông thường 5 năm một lần) nhằm hiệu chỉnh các sai sót, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới và tiếp thu các ý kiến góp ý từ các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi quy chuẩn.
Đối với QCVN 09:2013/BXD, việc soát xét nhằm mục tiêu: Đơn giản hóa các nội dung yêu cầu trong quy chuẩn; cập nhật các yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị công trình sử dụng năng lượng; tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quá trình vận dụng quy chuẩn trong thực tế thiết kế, thẩm định, thi công và nghiệm thu CTXD.
Vậy thì những điểm mới của QCVN 09:2017/BXD so với QCVN 09:2013/BXD là gì, thưa ông?
- Xuất phát từ thực tiễn áp dụng quy chuẩn, năng lực thực thi quy chuẩn của các đối tượng có liên quan (quản lý nhà nước, tư vấn, thi công, nghiệm thu) và yêu cầu cập nhật tiến bộ kỹ thuật hiện nay, nội dung sửa đổi quy chuẩn chủ yếu là làm rõ các phương án yêu cầu về lớp vỏ bao che, cập nhật các yêu cầu hiệu quả năng lượng của các thiết bị sử dụng năng lượng được lắp đặt trong công trình (thông gió, điều hòa không khí, chiếu sáng, các thiết bị sử dụng năng lượng khác), đơn giản hóa hoặc loại bỏ các yêu cầu phức tạp hoặc các yêu cầu chung chung, không cụ thể và không thể kiểm tra được trong thực tế.
Kết quả, QCVN 09:2013/BXD gồm 55 trang, sau khi soát xét và ban hành QCVN 09:2017/BXD chỉ còn 34 trang. Từ 35 vấn đề cần kiểm soát trong QCVN 09:2013/BXD, nay chỉ còn 20 vấn đề trong QCVN 09:2017/BXD. Theo đánh giá của các chuyên gia và người sử dụng, QCVN 09:2017/BXD đã rõ ràng hơn, đơn giản hơn và dễ kiểm soát trong thực tế thiết kế, thẩm định hồ sơ thiết kế.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong thực tiễn đã và đang vận hành những công cụ hỗ trợ thực thi quy chuẩn cho các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương. Đó là các bản tóm tắt nội dung quy chuẩn, bảng kiểm (checklist), hướng dẫn kỹ thuật… do Tổ chức tài chính quốc tế IFC và Bộ Xây dựng thiết lập. Các công cụ này có thể tham khảo hoặc thao tác trực tiếp trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng địa tại chỉ www.tknl.xaydung.gov.vn.
Qua khảo sát thực tế, nhiều tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng, các Sở Xây dựng địa phương đã sử dụng công cụ này trong quá trình tác nghiệp. Do QCVN 09:2017/BXD có hiệu lực từ 01/6/2018 nên các công cụ này đang được cập nhật, bổ sung và công bố trong thời gian tới. Theo kế hoạch của Tổ chức Tài chính IFC và Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng), một cuốn sổ tay hướng dẫn áp dụng QCVN 09:2017/BXD sẽ được biên soạn và phát hành trong thời gian tới nhằm cung cấp tài liệu cho các đợt tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực thực thi quy chuẩn tại các tỉnh thành trên cả nước.
Xin cảm ơn ông!