Người đề cao - kẻ rẻ rúng!

Ông Nguyễn Quang Mâu - Tổng giám đốc VIGLACERA Hạ Long cho hay, từ nhiều năm nay, Cty hết sức chú trọng việc mở mang các nguồn nguyên liệu dự trữ bằng việc không ngừng mua thêm các mỏ mới, tiết kiệm tối đa tài nguyên đất sét trong phục vụ sản xuất.

Từ nhiều năm nay, ở VIGLACERA và tất cả các DN thành viên đều ý thức rõ điều này. Một viên ngói nhẹ và mỏng nhưng có giá bán cao gấp nhiều lần gạch xây. Một xe gạch xây sản xuất ở ngay vùng mỏ Quảng Ninh sẵn sét, sẵn than cũng sẽ không dám chở đi bất cứ thị trường nào vì chắc chắn… lỗ bởi giá bán gạch thấp! Tương tự, những sản phẩm ceramic, granit kích thước lớn, mẫu mã đẹp có giá bán cao vượt trội lên bởi sự độc đáo của chúng so với những sản phẩm 30x30, 40x40 thông thường...

Điều này nhà sản xuất nào cũng nhận ra. Nhưng để làm được những sản phẩm giá bán cao, đương nhiên không phải DN nào cũng đủ khả năng. Thế nên những sản phẩm giá bán cao còn được gọi dưới một cái tên có phần hoa mỹ: “Sản phẩm có hàm lượng chất xám cao”!

Với những thông số kể trên, rõ ràng chỉ khi nào các DN chú trọng sản xuất ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, giá bán cao mới mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng với sự hy sinh về nguồn tài nguyên quý giá là thứ không thể tái tạo được. Ở các nước phát triển, người ta dường như rất thấm thía điều này. Nói như những người đi nhiều biết rộng thì: “Ở Tây, chỉ có nhà nào rất giàu mới dám chi tiền lợp ngói, xây nhà bằng… gạch đỏ”!

Tiết kiệm nguyên liệu và tìm kiếm giá trị gia tăng tối đa thông qua định hướng sản xuất đúng đắn là hướng đi mà các DN sản xuất VLXD đầu ngành đang quyết tâm hướng tới. Vì cùng một định lượng cao lanh, đất sét… như nhau, nếu sản xuất hàng cao cấp thì giá bán có thể nâng gấp 3 - 4 lần. Nhưng không phải DN cũng theo đuổi con đường ấy, vì nhiều lẽ: Đầu tư ban đầu cho công nghệ tốn kém, trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý phải xứng tầm, lại phải mất nhiều công sức gây dựng và phát triển thị trường...

Cuộc “đại chiến” ceramic hồi những năm 2004 - 2005 và 2008 vừa qua cho thấy, đa phần là các DN gạch ốp lát tham gia vào cuộc “bán tống, bán tháo” hàng hóa với giá rẻ mạt đều là những đơn vị có quy mô sản xuất nhỏ, làm ăn manh mún nặng tính “đánh quả” nên mỗi khi thị trường “nổi sóng” rất dễ lao đao. Đáng ngại là, chính ở những DN này, việc sử dụng tài nguyên khoáng sản với giá rẻ mạt cùng vô vàn các “chiêu bài” để khai thác bừa bãi tài nguyên lại được coi là một yếu tố để… làm giảm giá thành sản phẩm.

Có thể liệt kê ngay hàng loạt chiêu bài mà các nhà sản xuất nhỏ đang áp dụng như: “Đổi ruộng lấy ao”, tức là dân lấy ao nuôi trồng thuỷ sản còn DN lấy đất làm gạch, rồi nạn khai thác cát, đá thổ phỉ ngang nhiên và trắng trợn, thu mua than thổ phỉ để có mức giá thấp hơn giá thị trường…

Rõ ràng, trong khi tài nguyên ngày một cạn kiệt, giá nguyên liệu đầu vào ngày một cao hơn thì với không ít DN, nguồn tài nguyên giá rẻ lại chính là cơ hội để họ đao giá và gây sức ép lên các DN kinh doanh chân chính.

Hãy thử làm một phép tính để làm rõ hơn cái giá phải trả để có những sản phẩm VLXD giá rẻ. Ví dụ trong số hơn 20 tỷ viên gạch sản xuất hàng năm thì có tới hơn nửa là gạch lò đứng. Như vậy, tuy giá bán rẻ nhưng hoá ra lại rất “đắt” đối với nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, chưa kể trên thực tế gạch lò đứng còn kéo theo rất nhiều thiệt hại khác cho môi trường, sức khoẻ cộng đồng.

“DN chơi ngang - do năng lực hay quản lý!”

Đây là đúc rút của một vị chức sắc trong ngành quản lý VLXD. Đồng quan điểm này, TS Võ Quang Diệm (Vụ VLXD) trăn trở: “Khi chúng tôi tư vấn quy hoạch VLXD cho tỉnh, nói các anh phải cấm khai thác đá bừa bãi đi, huyện bảo mấy nghìn dân chúng tôi bám vào đó mà sống. Lại bảo thế thì nên tổ chức và đầu tư khai thác theo quy mô công nghiệp lớn thì lại nói dân không có vốn”. Rõ ràng chính quyền rất hiểu tài nguyên quý giá thế nào, nhưng khai thác và để “nhân lên giá trị” cho nguồn tài nguyên ấy - với họ vẫn là chuyện xa vời, xa vời từ tư duy, tới cách nghĩ, cách làm.

Nghịch lý cũng từ đó nảy sinh, vì trong khi quản lý nhà nước không vươn tới thì không ít nơi chính quyền địa phương lại coi đây như một nguồn thu quan trọng nên ra tay quản lý theo kiểu riêng của họ. Ở góc độ quản lý nhà nước, hơn bao giờ hết, việc xây dựng quy hoạch khoáng sản và quy hoạch sản xuất VLXD cần một “bà đỡ” là hệ thống pháp luật và bộ máy quản lý đi đôi đồng bộ. Thuế tài nguyên cần được tính toán ở mức hợp lý. Mọi hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất VLXD, kinh doanh sản phẩm VLXD đều đặt dưới cơ chế kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm chứ không để xảy ra tình trạng “buông xuôi” hay “đánh trống bỏ dùi”, từ đó hướng hoạt động quản lý VLXD vào nền nếp chặt chẽ, văn minh hơn.

Về vấn đề này, ông Diệm cho hay: Nghị định 124/NĐ có thể được ví như “cây gậy” cho công tác quản lý VLXD bởi đã đề ra những “hành lang pháp lý” quan trọng để nâng tầm công tác quản lý lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động SXKD VLXD cũng phải tuân theo những quy định rất cụ thể như điều kiện về công nghệ (bao gồm cả hướng xử lý đối với các dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu), nhân lực, những tiêu chuẩn sản phẩm phải tuân thủ, những tiêu chuẩn, điều kiện năng lực đối với các tổ chức cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản và kinh doanh VLXD…

Hàng năm, tổng khối lượng các mặt hàng VLXD sản xuất trong nước rất lớn, khoảng xấp xỉ 60 triệu tấn xi măng, hơn 20 tỷ viên ngói, 150 triệu m2 gạch ốp lát các loại, chưa kể hơn chục triệu sản phẩm sứ vệ sinh, hơn 130 triệu m2 kính xây dựng…

Những thông số tham khảo từ các chuyên gia đầu ngành về VLXD cho biết, để sản xuất 1 triệu tấn xi măng cần có 1,2 triệu tấn đá vôi, 0,3 triệu tấn đất sét. Để sản xuất 1 triệu viên gạch nung QTC cần khoảng 2 nghìn m3 đất sét; còn 1 triệu m2 gạch ceramic cần tới 10 nghìn tấn đất sét, 3 nghìn tấn cao lanh, 7 nghìn tấn tràng thạch, 2 nghìn tấn thạch anh; sản xuất 1 triệu m2 kính cần khoảng 5 nghìn tấn cát trắng, 1 nghìn tấn đôlômít, 150 tấn đá vôi…