Từ cuối tháng 11 khi cầu tiêu thụ tăng cao, các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, gạch, cát và nhất là thép đồng loạt được “thổi giá” lên. Thép xây dựng là loại tăng giá cao nhất. Theo bảng giá áp dụng từ 1-12 của Tổng công ty Thép Việt Nam, thép đã tăng thêm 300.000 đồng/tấn. Sau khi Tổng công ty Thép Việt Nam tăng giá, ngay lập tức các hãng thép khác như Vina Kyoei, Pomina... cũng đội giá thêm vài trăm ngàn đồng/tấn. Hiện giá thép cuộn tại một số cửa hàng bán lẻ ở mức 15,2 triệu đồng/tấn, thép cây dao động từ 15,8 - 27,5 triệu đồng/tấn. 

Giá các loại xi măng, gạch ngói cũng tăng khoảng 5 đến 10% so với các tháng trước. Anh Hoàng Linh chủ cửa hàng vật liệt xây dựng Hoàng Linh trên phố Hoàng Quốc Việt cho biết: Từ ngày 1-12 giá xi măng đã được cửa hàng điều chỉnh với mức tăng dao động từ 20 ngàn đến 50 ngàn đồng/tấn. Cụ thể xi măng Hoàng Thạch có giá 1.080.000 đồng/tấn, xi măng ChinFon Hải Phòng có giá 1.020.000 đồng/tấn, xi măng Bút Sơn 1.060.000 đồng/tấn. Các loại gạch, cát sỏi tăng nhẹ hơn. Giá các loại thiết bị vệ sinh nhập ngoại tăng nhẹ. Ngược lại, giá các loại vật liệu cho phần hoàn thiện và trang trí tăng mạnh từ 10 - 20%. 

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, phôi thép là mặt hàng nhập khẩu nên giá thép tăng đột biến trong thời gian qua do biến động tỷ giá đồng USD. Theo tính toán, nếu tỷ giá 1 USD ở mức 21.000 đồng thì giá phôi thép sẽ tăng khoảng 1 triệu đồng/ tấn, cộng với chi phí gia công để không bị thua lỗ, doanh nghiệp sản xuất thép phải tăng giá tối thiểu lên 600.000 đồng/ tấn. Bên cạnh đó, mức lãi suất ngân hàng cho vay với doanh nghiệp thép tăng cao (khoảng 19%/năm) cũng khiến giá thép bị đẩy lên. 

Hiện nay giá cả hàng hoá VLXD ở Việt Nam vẫn còn khá cao, nguyên nhân là vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản tương đối lớn như xi măng, kính... bên cạnh đó lại không quy hoạch tập trung, thiếu đồng bộ đã khiến cho giá thành bị đẩy lên cao. 

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội vật liệu xây dựng Việt Nam Thái Duy Sâm cũng cho rằng, năm 2010 ngành xi măng sản xuất đạt 55 triệu tấn đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhưng giá xi măng trong nước vẫn tăng cao một phần do các doanh nghiệp, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng lớn, vốn mạnh, cuối năm thường nhập vật liệu xây dựng về nhưng cố tình găm hàng, để đẩy giá bán lên cao. Không riêng gì xi măng, với các loại vật liệu xây dựng khác như sắt, thép, gạch... nếu không “chốt” chặt khâu phân phối bán lẻ thì việc “sốt ảo” là khó tránh khỏi.