Đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế sản xuất

Trong tháng 2 và 3, ngoài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép phải tạm ngừng sản xuất một số ngày để tiêu thụ lượng thép tồn kho. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đều xây dựng kế hoạch sản xuất tháng 3 giảm so với cùng tháng năm ngoái.

Trên phạm vi cả nước, theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép tồn kho giảm từ hơn 450.000 tấn hồi cuối năm ngoái, xuống còn 280.000 tấn. Một loạt giải pháp nhằm giảm lượng hàng tồn kho được các doanh nghiệp thép thực hiện như tiết giảm công suất, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ thép. Hiện lượng thép tồn kho đang ở mức bình thường trong hoạt động của ngành thép. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thép của Việt Nam cũng không dễ dàng, luôn phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá.

Việc tiêu thụ thép các tháng đầu năm không thuận lợi do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, tiến độ xây dựng chậm lại, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng. Riêng tháng 3, ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép tiêu thụ đạt khoảng 400.000 tấn, cả quý 1 tiêu thụ hơn 1 triệu tấn, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2012. Lượng phôi thép để chuẩn bị cho sản xuất duy trì ở mức 450.000 tấn, đủ để cung cấp cho thị trường trong quý 2. Việc tiêu thụ thép khá hơn giúp sản xuất quý 2 sớm trở lại bình thường. Tuy nhiên, một số nhà máy trên địa bàn thành phố ngừng hoạt động từ hàng năm nay do những khó khăn về vốn và thị trường như Thép Vạn Lợi với 2 nhà máy sản xuất thép cán và 1 nhà máy luyện phôi, Thép Cửu Long- Vinashin với một chuỗi các nhà máy cán thép, trong đó có cả nhà máy sản xuất thép tấm. Công ty CP Thép Đình Vũ chủ yếu gia công phôi cho Vinausteel.


Công nhân Công ty liên doanh sản xuất thép Hàn Việt trên dây chuyền sản xuất thép cuộn.

Cơ cấu lại sản phẩm thép

Trong vài năm tới, theo lộ trình cam kết WTO và AFTA, chúng ta sẽ phải xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng, trong đó có thép. Như vậy, các doanh nghiệp thép sẽ càng chật vật hơn khi phải cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà. Do sự phát triển ngành thép tùy tiện trong thời gian qua, cơ cấu các sản phẩm thép mất cân đối nghiêm trọng. Công suất các nhà máy sản xuất thép vượt gấp đôi so với nhu cầu, nhưng sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng. Các sản phẩm thép cần thiết như thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép không rỉ lại chưa được quan tâm đầu tư. Bởi vậy, hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập hơn 5 triệu tấn các loại thép này. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp đóng tàu của thành phố đều phải nhập khẩu thép tấm từ nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp trong nước sản xuất được thép tấm sẽ góp phần nâng tỷ lệ nội địa hóa ngành đóng tàu cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp đóng tàu. Năm 2012, được đánh giá là năm rất khó khăn của ngành thép, một số doanh nghiệp thép của thành phố vẫn đứng vững như thép Hàn Việt, thép Vinausteel…Trong toàn ngành thép, các doanh nghiệp thép Hòa Phát, tôn Hoa Sen vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận khá tốt do sản xuất đa dạng các mặt hàng thép. Bên cạnh sản phẩm thép xây dựng, Hòa Phát còn sản xuất thép ống, lượng xuất khẩu khá lớn; đầu tư vào lĩnh vực bất động sản để tiêu thụ thép…Mặt hàng tôn mạ kẽm của Hoa Sen cũng tiêu thụ tốt nhờ xuất khẩu.

Như vậy, để có thể phát triển bền vững, một mặt, nhà nước cần có chính sách hạn chế phát triển các nhà máy thép, định hướng chuyển đổi mặt hàng thép nhu cầu trong nước cần thiết nhưng thiếu hụt. Với những doanh nghiệp thép không đủ năng lực cạnh tranh, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường cần kiên quyết cho ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp cũng cần tự cơ cấu, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực. Có như vậy, ngành sản xuất thép trong nước mới có khả năng chống lại áp lực cạnh tranh khốc liệt khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Chỉ số phát triển ngành thép trên địa bàn thành phố tháng 3 tăng 128,29% so với tháng trước và giảm 16,47% so với cùng tháng năm trước. Cả 3 tháng, sản xuất ngành thép vẫn giảm 19,52% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp FDI lớn như SSE, Vinausteel, VSC, Vinapipe...tổng lượng thép tồn kho đến đầu tháng 3 khoảng gần 37 nghìn tấn. Tuy nhiên, lượng thép tồn kho này đã giảm nhiều so với các tháng trước.