Hết quý I/2012, nguyên liệu chính của ngành vật liệu xây dựng như thép, xi măng, gạch đều ế ẩm. Sức tiêu thụ giảm, lượng tồn kho đến mức báo động, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc giảm công suất của các nhà máy. Lượng tồn kho của thép tăng 59,1% so với cùng kỳ năm trước, xi măng và gạch cũng ở trong tình trạng tương tự. 

Ngoài nhu cầu giảm thì lãi suất ngân hàng cũng tác động trực tiếp đến phương án sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, do đa số dự án ngành thép, xi măng, gạch đều có vốn vay tương đối lớn. Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng kỳ vọng, lãi suất vay vốn ngân hàng hạ xuống mức 14 -16%/năm sẽ phục hồi được sản xuất.

Ông Phạm Việt Cường, Tổng giám đốc CTCP Thép Sông Hồng cho biết: “Có những thời điểm lãi suất ngân hàng ở mức 21 - 23%/năm, doanh nghiệp sản xuất càng nhiều thì lỗ càng sâu, bởi mặt hàng thép không tăng giá, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như than, điện, xăng dầu đều tăng. Trong quý I/2012, Công ty sản xuất và bán hàng để giữ thị phần là chính”. 

Không riêng gì Thép Sông Hồng, nhiều doanh nghiệp ngành thép cũng sản xuất và tiêu thụ trong tình trạng “cầm cự”. Lãi sản xuất và chi phí không theo kịp lãi vay là tình trạng chung của các doanh nghiệp cõng trên lưng những khoản vốn vay lớn. Không chỉ có doanh nghiệp “yếu”, mà doanh nghiệp “khỏe” cũng lao đao. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc CTCP Thép Việt (Pomina) nhận định, 2012 là năm “bi kịch” của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng, khi mọi thứ dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Tình hình của ngành xi măng có vẻ tệ hơn ngành thép. Có người ví von, nếu như sản phẩm thép xây dựng giống như lúa gạo trong thùng, thì xi măng như rau tươi mỗi ngày. Do tính chất đặc thù của ngành sản xuất nên lượng xi măng không thể tồn quá mức cho phép, bởi đây là mặt hàng không thể để lâu, các nhà máy chỉ xây dựng kho bãi làm nhiệm vụ trung chuyển, chứ không phải kho chứa hàng. Vì thế, nhiều nhà máy xi măng buộc phải cắt giảm sản xuất ngay từ đầu. Cũng như thép, xi măng không thể tăng giá và buộc phải đẩy hàng đi khi đã sản xuất. 

Số liệu thống kê cho thấy, lượng xi măng sản xuất của toàn ngành trong quý I/2012 là 12,1 triệu tấn, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng xi măng tiêu thụ chỉ đạt 10 triệu tấn, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Gần 2 triệu tấn sản phẩm tồn kho trong 3 tháng đầu năm 2012 là con số báo động, bởi chỉ số tồn kho bình thường của ngành xi măng là dưới 10%. 

Bộ Xây dựng dự báo, lượng xi măng trong năm 2012 sẽ dư thừa vào khoảng 8 - 10 triệu tấn. Một số doanh nghiệp sản xuất xi măng đã cầm chắc “giấy báo tử” như Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam), Áng Sơn (Quảng Bình); một số doanh nghiệp khác đang lao đao như Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn), Cẩm Phả, Hạ Long (Quảng Ninh).

Có nhiều nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp xi măng đứng trước nguy cơ phá sản, trong đó có lãi vay cao và trượt giá ngoại tệ. Đơn cử như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), năm 2011, chi phí tài chính đã “ngốn” gần hết lợi nhuận của doanh nghiệp, với 3.319/3.859 tỷ đồng. Năm 2012, cùng với cam kết tiết giảm chi phí hơn 400 tỷ đồng, lãi suất hạ sẽ giúp VICEM “khỏe” hơn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chỉ các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mới có thêm điều kiện để phục hồi sản xuất - kinh doanh. Còn các doanh nghiệp thua lỗ như Xi măng Cẩm Phả hay Đồng Bành thì lãi suất hạ cũng chỉ như muối bỏ bể.

Theo một số chuyên gia trong ngành xi măng, các dây chuyền sản xuất xi măng lò quay công nghệ Đan Mạch, Nhật Bản, Đức, Pháp... sẽ tiết giảm được chi phí sản xuất, bởi tiêu hao nguyên liệu ít hơn nhiều so với công nghệ Trung Quốc. Thế nên, lúc nguyên liệu đầu vào tăng cao thì chi phí sản xuất cho các dây chuyền công nghệ Trung Quốc hay xi măng lò đứng sẽ lớn hơn rất nhiều, nên càng sản xuất thì càng lỗ.

Hiện tại, không riêng doanh nghiệp xi măng hay sắt, thép, mà doanh nghiệp sản xuất gạch và các “phụ kiện” khác như chiếu sáng, nội thất đều kỳ vọng, lãi suất hạ nhanh, thị trường xây dựng hồi phục để giảm thiểu nguy cơ ế hàng.