Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng (CDI), Phó Chủ tịch HH BĐS Việt Nam
Đưa CDI trở thành thương hiệu
Nhập ngũ năm 1970, sau 5 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông ra quân, tiếp tục sự nghiệp học tập và đến năm 1982, ông về công tác tại Liên hiệp các xí nghiệp Xây lắp Hải Phòng (là đơn vị tiền thân của Công ty CDI ngày nay). Năm 1992, xí nghiệp giải thể và thành lập lại lấy tên là Công ty Xây lắp số 8, ông Nguyễn Ngọc Thành được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty. Vào thời điểm này, Công ty chỉ làm nhiệm vụ thầu xây dựng công trình, với số vốn được giao ban đầu là 365 triệu đồng. Năm 2007, Công ty chuyển thành Công ty CP Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng (CDI). Dưới sự lãnh đạo của ông, đến nay, Công ty CDI không những hoàn thành trách nhiệm bảo toàn vốn mà đã nâng vốn hoạt động của DN lên gấp 300 lần so với số vốn ban đầu. CDI đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương vàng ngành xây dựng Việt Nam, Cúp thương hiệu vàng Việt Nam, Siêu cúp thương hiệu mạnh và phát triển bền vững, Top 500 thương hiệu hàng đầu Việt Nam… Cá nhân ông cũng nhận được nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý khác và hiện đang giữ chức Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, một trong những bước nhảy vọt của công ty chính là việc chuyển đổi mô hình từ công ty nhà nước sang hoạt động theo công ty cổ phần. Lúc bấy giờ, Công ty gần như bắt đầu bằng con số 0, nguồn vốn quá ít ỏi, không có tích lũy. Đứng trước sự lựa chọn khó khăn, hoặc xóa bỏ sạch những cái cũ để xây dựng mới, hoặc kế thừa và phát triển, quyết định cuối cùng của ông là lựa chọn phương án kế thừa và phát triển. “Với sự lựa chọn này đòi hỏi chúng tôi phải phải xử lý tốt những xung đột giữa cái cũ và cái mới, giữa tồn tại và phát triển. Quá trình giải quyết xung đột ấy đã đem lại cho chúng tôi sức mạnh, khẳng định con đường mình lựa chọn hoàn toàn đúng đắn”, ông Thành cho biết.
40 năm sau ngày kết thúc chiến tranh, giờ đây ông đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Với ông Nguyễn Ngọc Thành, chiến tranh có thể lấy đi của người lính nhiều thứ, nhưng bù lại, môi trường quân ngũ, sự ác liệt, gian khổ của chiến tranh đã cho những người lính, trong đó có ông sự trưởng thành vượt bậc, đó là sự dũng cảm, bản lĩnh đối diện với thách thức với ý chí quyết chiến quyết thắng, giúp ông vượt qua những khó khăn trên mặt trận kinh tế.
Sự dũng cảm ấy đã giúp ông có một quyết định táo bạo khi vào năm 2007, ông một mình bay sang Trung Quốc để thực hiện cuộc đàm phán cuối cùng với đối tác về dự án liên doanh của Công ty trong đầu tư xây dựng Khu đô thị Cựu Viên, khi mà trước đó sự hợp tác của hai bên đang trên bờ vực của sự đổ vỡ. Chuyến bay đó đã đi vào lịch sử của Công ty và là một trong những dấu ấn quan trọng, để lại nhiều cảm xúc trong cuộc đời doanh nghiệp của ông.
Cuộc đàm phán thành công, đường dây liên hệ giữa hai bên được nối trở lại, các văn bản được ký kết và 24 tiếng sau ông lại có mặt trên chuyến bay trở về Việt Nam. Nó không chỉ là một chuyến bay thông thường như mọi chuyến bay khác, với ông Thành nó thật sự là một chuyến “cất cánh lên bầu trời”. Bên cạnh sự dũng cảm, để thành công trong sự nghiệp, đặc biệt là ở vai trò người lãnh đạo, ông Thành cho rằng ngoài kiến thức về kinh tế, có chiến lược, chiến thuật, kỹ năng tiếp cận mục tiêu, người ta còn cần có sự hiểu biết về văn hóa, xã hội, sự nỗ lực cố gắng hết mình vì mục tiêu. Sự dũng cảm, nỗ lực, sáng tạo đã giúp ông đưa Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng từ một trong những DN nhà nước không có gì nổi bật trở thành một trong những DN có nhiều thành tích như hiện nay.
“Không làm gì nếu xã hội không cần đến tôi”
Triết lý kinh doanh đó của ông Nguyễn Ngọc Thành phần nào lý giải được những thành công của doanh nhân này.
Với ông, mọi ý tưởng, việc làm, hành động của doanh nghiệp cần phải xuất phát từ trách nhiệm xã hội. Người đứng dầu doanh nghiệp cần nhìn vào sự thật và xác định trách nhiệm xã hội của mình thay vì lý thuyết lợi nhuận là đầu tiên. Nếu xác định được mục tiêu đó thì mỗi sản phẩm của doanh nghiệp sẽ hoàn hảo hơn, có giá trị lớn hơn cho xã hội.
Một dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng
Cuộc đời doanh nhân này có 2 bước đột phá tâm đắc nhất. Cuối cũng những năm 1990 đầu năm 2000, các đô thị bắt đầu rộ lên các dự án nhà ở, đô thị thay đổi từng ngày từng giờ, nhưng có một điều không thay đổi là chưa hề có nhà đầu tư nào làm được một dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Ông Thành suy nghĩ, đã làm bao nhiêu dự án nhưng chỉ dành cho người có thu nhập cao, người lao động nghèo chỉ biết trông chờ vào sự phân phối của Nhà nước và vô tình trong cuộc chơi đó, họ đứng ngoài cuộc BĐS.
“Tôi lại phải nghiên cứu, trăn trở và được Thành ủy Hải Phòng chấp thuận cho làm thí điểm dự án dành cho người thu nhập thấp. Năm 2002, dự án thành công và tôi báo cáo tại hội nghị nhà ở tại Hà Nội, chủ trì là Thủ tướng Nguyễn Tấn dũng. 7 năm sau, Thủ tướng ra quyết định về vấn đề phát triển nhà ở xã hội. Nội dung phê duyệt được nghiên cứu từ đề xuất cá nhân và công ty tôi. Từ năm 2009 mới bắt đầu có dòng chảy mới trong thị trường BĐS Việt Nam là nhà ở xã hội. Tôi tự hào vì là người tiên phong trước đó 10 năm; đã đưa ra cơ chế vận hành, được Nhà nước sử dụng và trở thành chính sách sau này”, doanh nhân Nguyễn Ngọc Thành nhớ lại.
Thành công cũng đi đôi với thất bại và với ông Thành, thất bại không hề ít. Tuy nhiên, với ông, phải hiểu thất bại thế nào để luôn giữ vững được niềm tin chiến thắng. Theo ông, chặng đường phát triển của doanh nghiệp không thể tránh được va vấp; không phải mục tiêu nào đề ra đều được thực hiện.
“Nếu chấp nhận dừng cuộc chơi là thất bại. Nếu biết khai thác kết quả chưa theo ý muốn đó để trở thành điều kiện, tiếp tục vận hành ở mục tiêu khác thì không còn là thất bại nữa”, ông Thành tin tưởng.